Các loại tiền tệ mới nổi của châu Á đang trượt giá khi virus corona đe dọa làm chậm nền kinh tế khu vực và khiến dòng tiền chảy vào đồng USD. Các nhà đầu tư có thể coi dự trữ ngoại hối đa dạng của khu vực châu Á là một cách giúp giảm thiểu ảnh hưởng từ các biến động kinh tế, biến động vốn và biến động tiền tệ. Nhưng đây là một suy nghĩ sai lầm.
Dự trữ ngoại hối của châu Á đã mở rộng rất nhiều kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 1997-98, lên tới hơn 5 nghìn tỷ USD, chiếm 40% toàn cầu. Tuy thường được coi là điểm mạnh, song theo Bloomberg, lượng dự trữ này không mang lại nhiều giá trị khi khủng hoảng thật sự xảy ra trong tương lai.
Đầu tiên, dự trữ không phải là lợi nhuận. Ngoài các khoản thu ròng từ xuất khẩu, chúng bao gồm cả đầu tư nước ngoài. Trung Quốc là quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, với 3,1 nghìn tỷ USD tính đến cuối tháng 1. Tuy nhìn bề ngoài đây là 1 con số khổng lồ, nhưng đó chỉ là một mặt của vấn đề. Kể từ năm 2009, tăng trưởng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã luôn đi kèm với các khoản nợ đầu tư tích lũy.
Dựa trên các tiêu chí của Quỹ Tiền tệ Quốc tế được sử dụng để tính mức dự trữ tối thiểu cần thiết, Trung Quốc cần khoảng 3 nghìn tỷ USD - gần bằng mức hiện tại. Yếu tố tính toán của IMF dựa vào nợ ngắn hạn bằng ngoại tệ, nợ phải trả của danh mục đầu tư, cung tiền và số cần thiết cho thanh toán thương mại. Các lỗ hổng tương tự tồn tại ở Indonesia, Ấn Độ và Nam Phi, vì nợ bằng ngoại tệ, đặc biệt là ngắn hạn, ở mức rất cao.
Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể sử dụng dự trữ của mình để tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng mà chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi sự những gián đoạn kinh tế mà chính phủ đã áp đặt trong nỗ lực làm chậm sự lây lan của virus. Giả sử mức nợ xấu tương đương với cuối những năm 1990, các khoản thua lỗ và tái cấp vốn bắt buộc sẽ hấp thụ khoảng một nửa hoặc nhiều hơn cả tổng dự trữ của Trung Quốc. Điều đó sẽ khiến mức dự trữ ngoại hối của quốc gia dưới mức tối thiểu theo quy định của IMF.
Ngoài ra, dự trữ có thể biến động. Các biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ có thể nhanh chóng làm giảm lượng dư trữ, như tình hình gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina cho thấy. Rất khó để ước tính dòng tiền bị rút ra bất ngờ.
Cũng rất khó để hiện thực các khoản đầu tư trong kho dự trữ ngoại hối. Hầu hết là trái phiếu chính phủ và các chứng khoán chất lượng cao khác có mệnh giá bằng các loại tiền tệ được gọi là G3 - đồng USD, EUR và yên Nhật. Quy mô nắm giữ quá lớn đồng nghĩa với việc các chính phủ không thể bán chúng mà không làm giảm giá các loại tài sản như Kho bạc Mỹ và đồng USD. Điều đó sẽ gây ra tổn thất lớn cho các nhà đầu tư châu Á.
Thật vậy, nhiều ngân hàng trung ương đã mở rộng danh mục tài sản mua vào. Trung Quốc đã chuyển hướng dự trữ của mình thành các khoản đầu tư thực sự vào các nền kinh tế tiên tiến và các dự án chiến lược như “một vành đai, một con đường”. Tuy nhiên, chúng không có tính thanh khoản cao và tồn tại nhiều rủi ro. Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức trong việc trả nợ cho các nước đang phát triển. Các khoản đầu tư như vậy cũng vướng phải sự can thiệp của nước sở tại, đặc biệt là trong các cuộc xung đột địa chính trị hoặc thương mại.
Một nhược điểm nữa của việc sử dụng dự trữ ngoại hối là việc quản lý tiền tệ và hiệu ứng thanh khoản trong nước của Trung Quốc rất cồng kềnh. Việc hồi hương dự trữ sẽ buộc đồng nội tệ tăng giá, làm giảm khả năng cạnh tranh quốc tế của quốc gia đó. Nó cũng sẽ làm giảm giá trị của các khoản đầu tư nước ngoài khi được tính bằng đồng nội tệ. Tích lũy quy mô lớn và chi tiêu dự trữ ảnh hưởng đến cung tiền. Trong khi các ngân hàng trung ương có thể quản lý điều này thông qua các hoạt động can thiệp vô hiệu hóa, xung đột giữa quản lý dự trữ và các mục tiêu chính sách tiền tệ sẽ tạo ra sự bất ổn về kinh tế và tài chính.
Cuối cùng, mô hình dự trừ ngoại hối hiện nay tạo ra sự phụ thuộc tài chính phức tạp giữa các ngân hàng trung ương châu Á và các nền kinh tế tiên tiến. Kể từ năm 2009, sự tăng trưởng dự trữ của các nước đang phát triển có mối tương quan cao với sự tăng trưởng trong bảng cân đối của các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế tiên tiến, được thúc đẩy bởi nới lỏng định lượng. Bị thu hút bởi lợi nhuận cao hơn, các nhà đầu tư đã chuyển vốn sang các thị trường mới nổi, từ đó hỗ trợ nhu cầu và hoạt động kinh tế ở các nền kinh tế phát triển.
Điều này thể hiện rõ trong sự gia tăng sự phụ thuộc của nhiều doanh nghiệp Bắc Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản vào các nền kinh tế mới nổi để có thể tăng trưởng và thu về lợi nhuận.
Thật không may, nguồn vốn giá rẻ này đã kích thích nợ tăng nhanh và tăng rủi ro bất ổn tài chính trong tương lai ở nhiều nước mới nổi. Giải pháp nằm ở sự hợp tác quốc tế để tạo ra một hệ thống tiền tệ quốc tế mới và nằm ở nỗ lực thúc đẩy nhu cầu trong nước của các nền kinh tế có thặng dư cán cân thương mại.
Trong một thế giới căng thẳng địa chính trị gia tăng, chiến tranh thương mại chưa kết thúc và nhiều nước có mô hình kinh tế dựa vào nợ và xuất khẩu, triển vọng là khá ảm đạm. Tuy nhiên, đây là bài toán khó mà thế giới sẽ phải quay trở lại đối đầu sau khi đã vượt qua cú sốc kinh tế từ đại dịch corona.
Tham khảo Bloomberg