Phiên giao dịch ngày 18/4 đã khép lại với sắc đỏ bao trùm thị tường, VN-Index mất 26 điểm rơi về vùng 1.432 điểm, trong khi HNX rơi 3,26% về 403 điểm. Thanh khoản 3 sàn gần 30.000 tỷ nhưng lượng tiền "bắt đáy" này dường như không thể hấp thụ được số hàng bán ra trong phiên "ngày thứ 2 đen tối" của thị trường dẫn đến chốt phiên vẫn còn 149 cổ phiếu "nằm sàn".
Trước đó, phiên ngày 12/4, cũng chỉ gần 100 cổ phiếu giảm sàn, trong khi phiên hôm nay số lượng đã tăng gấp rưỡi.
Cổ phiếu giảm sàn phiên hôm nay không chỉ đến từ cổ phiếu đầu cơ mà còn đến từ những cổ phiếu doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, có nền tảng nội tại. Với 460 cổ phiếu giảm, giảm sàn, vốn hoá của HOSE đã bốc hơi 102.900 tỷ đồng.
Hàng loạt các cổ phiếu có tính dẫn dắt thị trường như nhóm ngân hàng (CTG, VPB, STB, MBB, VCB, BID), chứng khoán (VCI, SHS, SSI, MBS, VND), bất động sản (IJC, CEO, NBB, CII, KBC,)…không ngừng rơi. Việc các cổ phiếu "không cầm máu", lượng bán ra ồ ạt khiến lượng tiền vào bắt đáy không thể hấp thụ hết. Ngoài ra, nhóm đầu cơ như hệ sinh thái FLC, FIT, HHS, TGG, APG, BII, HQC, HNG,…cũng diễn biến khá tiêu cực khi không thể chặn được đà giảm.
Một số cổ phiếu trụ may mắn vẫn giữ giá như MSN, GAS, GVR, BVH, VNM… giúp thị trường bớt phần tiêu cực.
149 cổ phiếu "nằm sàn" phiên 18/4
Nếu tính tổng từ mức đỉnh 1.524 điểm, VN-Index đã đánh mất 92 điểm chóng vánh chỉ trong hơn 1 tuần giao dịch, vốn hoá bốc hơi 348.000 tỷ đồng, tương ứng 15 tỷ USD. Giới đầu tư gọi đây là "nguyên một tuần đen tối". Đa phần nhà đầu tư đã rơi vào thua lỗ với mức giảm nhiều cổ phiếu hơn 15-25% chưa tính vay margin. Nếu so với đỉnh hồi tháng 1 nhiều cổ phiếu đã mất giá hơn 50%, nhóm hệ sinh thái FLC mất giá gần 70%…
Đà giảm đột ngột trong hơn 1 tuần qua khiến nhà đầu tư choáng váng, không kịp hành động cơ cấu danh mục. Tâm lý bi quan, chán nản muốn rời bỏ chứng khoán lan rộng khắp các diễn đàn, mạng xã hội về chứng khoán.
Điểm tích cực của phiên 18/4 là xuất hiện dòng tiền mua bắt đáy dù chưa thể hấp thụ hết lượng hàng bán ra nên lực mua chưa thắng thế hoàn toàn khiến VN-Index chưa thể hồi phục ngay nhưng dòng tiền mua đã xuất hiện.
Một số chuyên gia tài chính như ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc công Chứng khoán Yuanta Việt Nam viết trên trang cá nhân ngắn gọn: "Đoạn này không phải là giai đoạn để bán. Chọn nhóm tăng trưởng mạnh như hoá chất, chứng khoán, bán lẻ, công nghệ mạnh nhất so với thị trường".
Ông Vicente Nguyen, CIO của AFC Vietnam Fund cũng cho rằng: "Trong hoảng loạn luôn thấy le lói cơ hội. Ai bán tháo vùng này sẽ sớm ân hận. RSI đang rơi vào vùng quá bán".
Trước đó, ông Nguyễn Duy Anh, CEO của Công ty cổ phần Đầu tư AF1 cũng cho rằng VN-Index giảm điểm mạnh vừa qua nhưng dòng tiền bắt đáy chưa mạnh là vì không ai có nhu cầu mua giá cao trong khi vẫn có thể mua được giá rẻ hơn. Bản chất dòng tiền không thoát khỏi thị trường mà dòng tiền đầu cơ đang luân chuyển qua các cổ phiếu cơ bản. Tuần này, khi tâm lý đã dịu lại dòng tiền sẽ tiếp tục tập trung vào các cổ phiếu bluechip và midcap trong đó nhiều mã đã giảm khá sâu về vùng mua tích lũy phù hợp, giai đoạn này dòng tiền sẽ rời bỏ những cổ phiếu có yếu tố "làm giá" để tránh rủi ro.
"Thời điểm hiện tại, ở góc độ nhà đầu tư chúng ta nên tập trung "đi săn" những cổ phiếu cụ thể dưới giá trị thật ở các vùng giá cụ thể với kỹ năng giải ngân thay vì hy vọng sẽ mua tất cả bằng một lệnh ở một mức giá tại ngay đáy như đa số hy vọng", ông Duy Anh nói.
Trước đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng diễn biến của VN-Index sụt giảm gần đây vì những nguyên nhân lâu dài hơn đó là thị trường chứng khoán thế giới đặc biệt là Mỹ cũng đang trải qua giai đoạn điều chỉnh mạnh, và đồng đô la thì tăng vọt làm áp lực lớn lên thị trường tài chính. Giá cả hàng hóa tăng cao cũng khiến các Ngân hàng Trung ương toàn cầu điều chỉnh chính sách tiền tệ trở nên thắt chặt hơn đã hạn chế dòng chảy vào thị trường. Bên cạnh đó các kênh an toàn như tiết kiệm, bảo hiểm, trái phiếu, vàng nhận được dòng tiền trong bối cảnh thanh khoản thấp và dòng tiền yếu ở các kênh rủi ro như chứng khoán mới là nguyên nhân sâu xa hơn. Số liệu cũng chỉ ra số lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng thuơng mại gia tăng những tháng vừa qua, chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới tăng nhanh, thanh khoản trên thị trường chứng khoán giảm trong khi nhà đầu tư cá nhân vốn là bệ đỡ tốt nhất cho thị trường cũng đã có nhiều phiên bán ròng khi mà nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước vốn đã bán từ...năm ngoái.
"Do đó có thể thấy việc thị trường điều chỉnh vừa qua là một quá trình của nhiều yếu tố và tác động từ những yếu tố mang tính dài hơi như lạm phát, tiền tệ thắt chặt trên thế giới, chứng khoán toàn cầu suy yếu chung với các kênh rủi ro...mới là những nguyên nhân chính", ông Khánh nói.