Khu vườn của ông Phạm Quang Bình chỉ vỏn vẹn 200m2 nhưng có rất nhiều loại hoa phong lan rừng độc và đẹp đã tạo được "thương hiệu" cho ông Bình trong giới chơi lan của Đà Lạt.
Một góc vườn lan với nhiều loại hoa phong lan đặc hữu của tỉnh Lâm Đồng của ông Phạm Quang Bình. Ảnh: Văn Long.
Ông Bình kể lại, từ năm 2000 đến năm 2006 do kinh tế còn khó khăn nên ông cùng gia đình mê trồng địa lan để kiếm thêm thu nhập. Những năm đầu làm trúng lớn, do khi đó nhu cầu địa lan khá lớn, nhưng rồi do diện tích đất quá ít, lại không làm được nhà kính nên năng suất hoa địa lan giảm dần.
Đến năm 2006, ở Đà Lạt xuất hiện dịch bệnh trên cây địa lan, làm cây chết hàng loạt và năng suất giảm rõ rệt. Năng suất thấp cùng bệnh dịch trên địa lan khiến ông Bình đã nghỉ trồng địa lan, chuyển qua trồng một số loại rau để lấy thu nhập.
Trên 2000 chậu lan lớn nhỏ, trị giá trên 500 triệu của ông Phạm Quang Bình. Ảnh: Văn Long.
Trong vườn rau ông Bình có một góc rất nhỏ để treo những giò phong lan nhằm thỏa mãn đam mê của mình. Ban đầu chỉ có hơn chục giò, dần về sau bạn bè, anh em đến chơi và thấy thích nên ông tách ra để tặng, trao đổi, giao lưu nhằm đưa về những giống lan mà mình chưa có. Dần dần cái góc nhỏ phong lan ấy cứ rộng ra, rộng dần ra, rồi thành cả khu vườn nhỏ sau nhà của ông. Khu vườn hoa phong lan đó, bốn mùa đều có hoa nở.
Với nhiều loại lan, khu vườn của ông Phạm Quang Bình lúc nào cũng có hoa nở. Ảnh: Văn Long.
“Ngày đó tôi vẫn muốn trồng địa lan tiếp, nhưng vì gia đình nói giờ mình khó cạnh tranh được với các hộ nhiều đất, đầu tư tiền tỷ, áp dụng khoa học công nghệ, bởi họ nhiều đất, còn mình chả có gì. Cùng với đó, niềm đam mê phong lan thôi thúc, tôi quyết định chuyển qua chơi và trồng phong lan.”
Ông Phạm Quang Bình đang chăm sóc giỏ phong lan phi điệp bốn màu khá hiếm mà ông đã kỳ công ghép. Ảnh: Văn Long.
Vậy là từ năm 2006, ông Bình đi khá nhiều nơi để sưu tầm các loại lan rừng về thuần hóa. Hiện tại với khu vườn 200m2 của mình, ông treo trên 2.000 chậu lan lớn nhỏ, treo trên cao, ở giữa và cả dưới đất với rất nhiều chủng loại, ước tính giá trị lên đến khoảng 500 triệu đồng. Ban đầu ông Bình chủ ý chỉ để ngắm chơi, sau này do số lượng quá nhiều nên ông Bình đã bán, có giao lưu cùng những anh em đam mê, với tiêu chí lấy phong lan để nuôi phong lan.
Loại hoa lan tên Lọng vàng được ông Phạm Quang Bình mua từ một người dân tộc thiểu số, là một loại lan đặc hữu của núi rừng Lâm Đồng. Ảnh: Văn Long.
Ông Bình quan niệm rằng, nếu trồng toàn những chậu phong lan khủng thì anh em chơi bình dân khó tiếp theo được. Vì vậy ông nhân giống cho một số loại lan rừng như đại ý thảo, thụ phấn cho lan dendro ra quả, sau đó nhờ một số người bạn nuôi cấy mô để lấy giống, trồng trong những chậu nhỏ bán, giao lưu, trao đổi cho anh em bình dân.
Ông Phạm Quang Bình mới thụ phấn cho cây dendro hoa vàng với cây cùng giống nhưng màu hoa khác cho ra cây con có những màu hoa lạ và đẹp.
Ngoài việc đi tầm lan, ông Bình còn vào các bản, làng dân tộc thiếu số để sưu tầm và mua những loài lan lạ về trồng trong khu vườn của mình. Có một số loại lan rừng đặc chủng của vùng rừng Lâm Đồng như Bạch hạc Langbiang, tuyết ngọc hay lọng vàng. Ngoài ra ông còn có nhiều giống mang từ vùng Tây Bắc, Điện Biên vào.
Hai giò lan đại ý thảo của ông Bình được một người bạn ở Điện Biên tặng từ năm 1997 đều đang sưng nụ, hứa hẹn ra hoa đẹp trong dịp Tết Nguyên đán này. Ảnh: Văn Long.
Ngày ngày, ông Bình ra vườn để chăm sóc cho vườn lan của mình, một thú vui khi về già mà lại mang về thu nhập khá. Vừa qua, tại triển lam hoa cây cảnh quốc tế 2017, ông Bình đã đoạt một huy chương vàng và 2 huy chương đồng cho các tác phẩm hoa phong lan của mình.
Ông Bình bên giò lan Bạch hạc Langbiang-1 trong những loài lan rừng đặc hữu của tỉnh Lâm Đồng. Giò lan Bạch hạc Langbiang này đã đoạt huy chương vàng trong Triển lãm hoa, cây ảnh quốc tế 2017 Đà Lạt vừa qua: . Ảnh: Văn Long.