Loài nhuyễn thể họ ngao này từ lâu đã được nhiều người biết đến là đặc sản trứ danh của vùng biển Quảng Ninh, nhưng làm thế nào để bắt được ngán thì không mấy người biết.
Nghề bắt ngán làm theo con nước. Bất kể sáng sớm hay chiều muộn, cứ khi thủy triều rút người bắt ngán lại cầm "chéc" đi vào những khu rừng ngập mặn.
"Chéc" là dụng cụ dùng để bắt ngán, được làm từ thanh sắt 10, đập dẹt 1 đầu, đầu còn lại cắm miếng gỗ làm tay cầm.
Người bắt ngán ở đảo Quan Lạn phải lội sâu dưới bùn lầy, đi tới những gốc cây sú, vẹt- nơi trú ngụ của ngán.
Khi phát hiện thấy tổ ngán, người bắt nhìn lỗ ngán ước lượng khoảng cách (từ lỗ cách ra khoảng 30cm) rồi dùng chéc đánh dần vào, khi nào tổ ngán dậy nước thì thò tay xuống móc ngán lên.
Khi ở dưới nước, ngán thường thò chiếc xúc tu to, dài để thở và kiếm thức ăn. Nếu thấy mặt nước động, ngán sẽ chui nhanh xuống dưới bùn để trốn kẻ thù, khi bị móc lên thì ngậm chặt vỏ.
Nhưng không phải lần nào chọc chéc xuống cũng bắt được ngán...
Anh Châu Quốc Đạt, một thợ bắt ngán ở Quan Lạn, cho biết: "Mỗi buổi đi từ 2-4 tiếng, tôi bắt được nhiều nhất là 2-3kg ngán, có buổi chỉ được vài lạng".
Giá bán của các loại ngán tùy loại, từ 350.000-420.000 đồng/kg, người bắt ngán có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.
Ngán tuy sống dưới bùn lầy, nhưng lại là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng. Từ con ngán có thể chế biến được nhiều món ăn ngon và bổ dưỡng như ngán luộc, ngán nướng, gỏi ngán, cháo ngán, bún ngán...đặc biệt nhất đó là món rượu ngán nổi tiếng Quảng Ninh.