Sở GDCK Hà Nội vừa thông báo, toàn bộ 350 triệu cổ phiếu VIF của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam – CTCP (Vinafor) sẽ bị hủy đăng ký giao dịch trên Upcom từ 17/1/2020 tới đây. Phiên giao dịch cuối cùng trên Upcom vào ngày 16/1/2020.
Nguyên nhân hủy đăng ký giao dịch, là do Tổng công ty đã được chấp thuận niêm yết trên sàn HNX.
Trước đó, ngày 12/1/2017 Vinafor đã đưa 350 triệu cổ phiếu VIF lên giao dịch trên Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 10.200 đồng/cổ phiếu. Đến nay sau gần 3 năm, VIF đã tăng hơn gấp đôi, hiện giao dịch quanh mức 21.800 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến giá cổ phiếu VIF sau 3 năm lên sàn.
Vinafor được thành lập năm 1995 trên cơ sở sáp nhập 10 Tổng Công ty trực thuộc Bộ Lâm nghiệp cũ, Vinafor hoạt động chính trong lĩnh vực trồng, bảo vệ rừng và chế biến lâm sản với quy mô hoạt động trên toàn quốc.
Công ty chính thức cổ phần hoá vào năm 2016, theo đó Nhà nước hiện nắm giữ 51% cổ phần; Tập đoàn T&T của bầu Hiển là nhà đầu tư chiến lược với 40% vốn điều lệ Công ty.
Tuy là doanh nghiệp hoạt động trong ngành lâm nghiệp, nhưng phần lớn lợi nhuận của Vinafor lại đến từ những công ty liên doanh liên kết, đặc biệt là Công ty TNHH Yamaha Morto Việt Nam – liên doanh giữa Vinafor và Tập đoàn Yamaha Morto. Đây là khoản đầu tư tài chính mang về khoản lợi tức khủng hàng năm.
Kết quả kinh doanh, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm 2019 đạt 1.296 tỷ đồng, giảm 7,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 385 tỷ đồng, giảm 39% so với lợi nhuận đạt được 9 tháng đầu năm ngoái và mới chỉ hoàn thành hơn 44% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Quý 3/2019 cũng là quý thứ 3 liên tiếp lợi nhuận của công ty sụt giảm.
Tính đến 30/9/2019 Vinafor còn gần 1.370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Ngoài ra công ty còn hơn 164 tỷ đồng trong quỹ đầu tư phát triển. Tổng tài sản đạt gần 5.600 tỷ đồng, giảm khoảng 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả 486 tỷ đồng (giảm giần 60 tỷ đồng so với đầu năm), trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 148 tỷ đồng và vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 15 tỷ đồng.