ẢNH 1: Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị diễn ra tại Hà Nội sáng 7/5.
Hà Nội có 301 sản phẩm OCOP
Báo cái tại hội nghị giao ban đánh giá kết quả thực hiện Chương trình số 02/CTr-TU của Thành ủy và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 8 tháng cuối năm 2020 tại Hà Nội ngày 7/5, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi và dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Hà Nội trong quý I-2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ, trong đó, diện tích gieo trồng cây vụ đông cũng bị giảm…
Về xây dựng NTM, từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có thêm 2 xã của huyện Gia Lâm đủ điều kiện đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã của huyện Phú Xuyên, 1 xã của huyện Sóc Sơn đủ điều kiện hoàn thành xã NTM. Các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2020.
"Đến nay, thành phố có 353/382 xã (đạt tỷ lệ 92,4%) đã được công nhận, trong số đó có 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; thị xã Sơn Tây đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND thành phố xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019", ông Mỹ chia sẻ.
Theo ông Mỹ, trong giai đoạn vừa qua, đời sống nông dân của Hà Nội không ngừng được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2019 đạt 51,5 triệu đồng/người/năm. Trong đó, một số huyện có thu nhập bình quân đầu người cao như Thạch Thất (63 triệu đồng/người/năm); Đông Anh (60 triệu đồng/người/năm); Hoài Đức (55 triệu đồng/người/năm)...
Công tác đảm bảo an sinh xã hội nói chung, thực hiện chính sách giảm nghèo nói riêng luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1,81% xuống còn 0,69%. Trong đó, nhiều huyện không còn hộ nghèo như: Đông Anh, Gia Lâm. Một số huyện có tỷ lệ hộ nghèo thấp như Hoài Đức 0,05%; Đan Phượng 0,14%; Quốc Oai 0,22%...
Ông Mỹ cho biết thêm, trong việc thực hiện Chương trình OCOP, tính đến hết năm 2019, thành phố đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao...
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình sản xuất nấm công nghệ cao ở Sóc Sơn (Hà Nội).
Thực hiện nhiệm vụ kép
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Hà Nội cho biết, trong những ngày vừa qua Hà Nội thực hiện nhiệm vụ kép là vừa phát triển kinh tế và phòng chống dịch Covid-19. Dù công việc rất nặng nề, gian nan nhưng với sự đồng lòng, đoàn kết và quyết tâm của các quận, huyện và người dân, đến nay thành phố đã dần kiểm soát được đại dịch và từng bước khôi phục, phát triển kinh tế ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực nhấn mạnh, nông nghiệp trong giai đoạn tới vẫn là mặt trận hàng đầu. Dó đó, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kép, là vừa chống dịch vừa phát triển sản xuất nông nghiệp.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội đề nghị Sở NNPTNT đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, nhất là đàn lợn, phấn đấu đạt ít nhất 1,8 triệu con, và tăng đàn gia cầm lên 38 triệu con trong năm 2020.
Đối với Chương trình OCOP, ông Sửu đề nghị các sở ngành, địa phương thực hiện cải cách, tinh giản thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn. Cùng với đó, các địa phương lựa chọn, có giải pháp hỗ trợ xây dựng, nâng chất các sản phẩm 3 - 4 sao; phấn đấu từ nay đến cuối năm 2020 có thêm 700 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng.
Hà Nội đang tích cực hỗ trợ cho các huyện tái đàn lợn thịt, lợn nái nhằm đạt mục tiêu tăng 1,8 triệu con vào cuối năm 2020.
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành, tuy nhiên, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, tái cơ cấu ngành nông nghiệp hiện còn chậm. Phát triển kinh tế nông thôn chưa tương xứng tiềm năng lợi thế. Vệ sinh môi trường vẫn còn nhiều nỗi lo. Bên cạnh đó, việc nâng cao đời sống nông dân còn hạn chế, một số huyện còn tỷ lệ hộ nghèo cao…
Để Hà Nội đạt được mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp trong năm 2020, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị Sở NNPTNT khẩn trương có kế hoạch giải ngân gói hỗ trợ 700 tỷ đồng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, nâng cao đời sống cho người dân.
“Đã kích cầu thì cần kích đúng lúc, không đúng lúc thì không có tác dụng. Trong thời điểm có đại dịch, thành phố đã cắt giảm kinh phí đầu tư ở một số chương trình, dự án nhưng riêng kinh phí dành cho Chương trình 02 vẫn giữ nguyên để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện hiệu quả” - Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nói, đồng thời chỉ đạo, việc triển khai phải hiệu quả, thiết thực nhưng không có tiêu cực.
Thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Từng huyện phải hiểu được mỗi tấc đất của địa phương phù hợp với loại cây trồng gì, nuôi con gì để có giải pháp căn cơ, thúc đẩy phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng với đó, các huyện cũng phải rà soát lại các sản phẩm có thế mạnh và chủ lực của mình để có giải pháp, chiến lược phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi đảm bảo ổn định đầu ra cho bà con.
Trước hiện trạng nhiều diện tích đất nông nghiệp bị bỏ hoang không canh tác, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đề nghị cần có giải pháp sử dụng nhằm tránh lãng phí. Trong đó, tập trung đánh giá lại các diện tích đất không canh tác lúa để có giải pháp chuyển đổi sang loại hình kinh tế khác phù hợp, hiệu quả.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng đề nghị các địa phương thực hiện khẩn trương, đúng đối tượng các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Trung ương, thành phố cho người nông dân. Đặc biệt, không được để xảy ra tiêu cực. Đối với Chương trình OCOP, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ lưu ý, hiện nay cần phát triển cả các sản phẩm OCOP ở các quận, thay vì chỉ có 18 huyện, thị xã. Theo đó, các địa phương rà soát, tập trung lựa chọn sản phẩm để hỗ trợ; trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm 3 - 4 sao trước. Đây cũng là giải pháp quan trọng nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. |