Dân số của đô thị toàn cầu dự kiến đón thêm 2 tỉ người vào năm 2030 trong khi nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt đã tăng gấp 4 lần trong vòng 60 năm qua. Xu hướng này sẽ tiếp tục với dự báo nhu cầu dùng nước sinh hoạt tăng 80% vào năm 2030, gây áp lực nặng nề lên nguồn nước ngầm.
Theo một nghiên cứu công bố gần đây trên Tạp chí Nature Sustainability (Anh), các thành phố Los Angeles (Mỹ), Jaipur (Ấn Độ) và Dar es Salaam (Tanzania) nằm trong số 36% đô thị khắp thế giới có nguy cơ hứng chịu cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất vào năm 2050.
Người dân ở TP Cape Town - Nam Phi xếp hàng nhận nước Ảnh: MARKETPLACE AFRICA
Để đối phó, các chuyên gia khuyến cáo cần mở rộng nguồn cung cấp nước song song với tăng trữ lượng và tránh gây lãng phí nước. Tái sử dụng nước cũng là một giải pháp. Chính việc thắt chặt tiết kiệm nước đã giúp "Day Zero" - ngày mà ít nhất 1 triệu hộ gia đình ở TP Cape Town của Nam Phi không còn nước để dùng - đã được dời từ mốc thời gian tháng 4 đến tháng 7 năm nay.
Hạn hán liên tục 3 năm vẫn chưa kết thúc nhưng việc hạn chế dùng nước tạm thời đã "cứu" Cape Town. Mỗi người dân tại đây chỉ được sử dụng khoảng 50 lít nước/ngày, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 375 lít/ngày/người Mỹ.
Theo kênh truyền hình National Geographic (Mỹ), không chỉ Cape Town, 20 triệu dân ở Sao Paulo - Brazil từng đối mặt "Day Zero" vào năm 2015, buộc thành phố này ngừng cung cấp nước trong 12 giờ. Trước đó, vào năm 2008, TP Barcelona - Tây Ban Nha gặp cảnh tương tự và buộc phải nhập nước ngọt từ Pháp.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Science Advances (Mỹ) hồi năm 2016, 14/20 siêu đô thị trên thế giới từng thiếu nước hoặc hạn hán nghiêm trọng. Khoảng 4 tỉ người đang sống ở những khu vực từng chịu cảnh thiếu nước trong ít nhất 1 tháng của năm. Đáng chú ý, gần 50% số này sống ở Ấn Độ và Trung Quốc - 2 quốc gia đông dân hàng đầu thế giới.
Báo cáo của Tổ chức UNESCO nhân ngày Nước thế giới hôm 22-3 cảnh báo Ấn Độ đang chìm sâu vào cuộc khủng hoảng nước. Nhà bảo tồn nước Rajender Singh cũng cho rằng tình trạng hạn hán chưa từng thấy đang gia tăng mỗi năm ở nhiều bang như Madhya Pradesh, Maharashtra, Karnataka, Telangana, Andhra Pradesh và Tamil Nadu. Tuy nhiên, chính quyền lại không có bất kỳ biện pháp dài hạn nào để đối phó.