Trong văn bản, các nhà đầu tư cho biết, hưởng ứng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam, các nhà đầu tư đã huy động công sức, vốn để tham gia phát triển các dự án điện, đưa tổng công suất lắp đặt nguồn điện mặt trời, điện gió từ mức không đáng kể trước năm 2019, tăng lên 26% tổng công suất toàn hệ thống điện Việt Nam vào năm 2021.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, có 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất là hơn 4.871,6 MW (4.184,8 MW điện gió và hơn 491,8 MWac điện mặt trời) đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại (COD) so với kế hoạch (dự án chuyển tiếp).
Việc chậm tiến độ làm cho các dự án này không kịp hưởng giá điện cố định (FIT) như được quy định tại Quyết định số 39 với điện gió và Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ với điện mặt trời. Bị ảnh hưởng nặng nhất là nhóm 34 dự án chuyển tiếp với tổng công suất hơn 2.090,9 MW (gồm 28 dự án điện gió với tổng công suất 1.638,35 MW và 6 dự án điện mặt trời với tổng công suất 452,62 MWac) đã hoàn tất thi công và hoàn thiện công tác thử nghiệm đảm bảo đủ điều kiện huy động.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, các nhà đầu tư cho biết đã phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Các nhà đầu tư dự án cũng bày tỏ sự thất vọng với các chính sách áp dụng cho các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp được Bộ Công Thương ban hành gồm Thông tư số 15 quy định về phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21 về ban hành khung giá điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp và Thông tư số 01 bãi bỏ một số quy định tại các Thông tư 02 và Thông tư 18 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định thực hiện phát triển dự án điện gió , điện mặt trời và hợp đồng mua bán điện mẫu.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, các văn bản của Bộ Công Thương sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới các mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo bền vững mà Bộ Chính trị và Chính phủ đã đề ra.
“Về lâu dài, cơ chế giá không đạt hiệu quả sẽ dẫn đến việc dừng hoặc chậm đầu tư các dự án năng lượng, dẫn tới không đảm bảo an ninh năng lượng, không thực hiện được các chính sách và cam kết về chuyển dịch năng lượng, giảm phát thải carbon và lộ trình cắt giảm khí thải của Chính phủ, đồng thời làm suy giảm cơ hội tạo chuỗi cung ứng nội địa và tạo việc làm cho người dân địa phương”, các doanh nghiệp nhấn mạnh.
Qua rà soát lại các căn cứ ban hành Quyết định 21, các doanh nghiệp cho biết, không có tham chiếu nào đề cập tới văn bản chỉ đạo, phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về nội dung này. Như vậy, có thể hiểu rằng Bộ Công Thương tiến hành dự thảo Quyết định 21 đã không tham vấn hoặc chưa có sự chấp thuận, phê duyệt về mặt nguyên tắc từ Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại Quyết định 13 và Quyết định 39.
“Cùng với một khung giá điện bất hợp lý của Quyết định 21, việc xóa bỏ các chính sách khuyến khích theo Thông tư 01 trên đây sẽ làm thay đổi mô hình tài chính, làm mất khả năng tiếp cận vốn vay và quản lý rủi ro của dự án, khiến nhà đầu tư đứng trước nguy cơ thất bại về tài chính , phá sản và làm các nhà đầu tư tiềm năng không dám mạo hiểm đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó dẫn đến các hệ lụy liên quan tới nền kinh tế, xếp hạng tín dụng và uy tín quốc gia”, các doanh nghiệp đề xuất.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Công Thương và các cơ quan hữu quan cho phép các dự án chuyển tiếp đã hoàn tất đầu tư xây dựng được đưa vào vận hành, ghi nhận sản lượng phát điện lên lưới và sẽ được thanh toán cho sản lượng điện này sau khi quá trình đàm phán giá điện theo khung giá mới đã hoàn tất.