Văn phòng Chính phủ trong một văn bản gửi Thủ Tướng cho biết đã nhận được ý kiến phản hồi của Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công Thương phản ánh khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Quy hoạch.
Hiện có 39 quy hoạch ngành quốc gia, 63 quy hoạch tỉnh chưa thể triển khai do chưa có hướng dẫn cụ thể. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất 2016 - 2020 của 5 tỉnh thành phố là Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Cà Mau, Hải Dương không thể ban hành. Khoảng 25 quy hoạch ngành xây dựng, quy hoạch điện lực, khoáng sản, cấp nước, vùng kinh tế trọng điểm không thể ban hành.
"Có tới 368 dự án đầu tư sản xuất công nghiệp không thể triển khai vì vướng mắc quy hoạch, trong đó có 91 dự án lưới điện, 210 dự án điện mặt trời, xử lý rác phát điện…", báo cáo của Văn phòng Chính phủ nêu.
368 dự án tắc, các Bộ ngành, địa phương lúng túng
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng xác nhận hiện tượng này và cho biết, trong một năm trở lại đây Bộ đã tiếp nhận đề xuất của cả trăm nhà đầu tư với tổng cộng khoảng 340 dự án điện mặt trời, điện gió với tổng công suất dự kiến khoảng 28.000 MW, trong đó, điện mặt trời khoảng 26.000MW và số còn lại điện gió.
Tuy nhiên, tính đến hết năm 2018, số dự án được điện gió và điện mặt trời được phê duyệt để bổ sung quy hoạch mới chỉ khoảng 7.500MW. Như vậy, vẫn còn trên 20.000MW điện gió, điện mặt trờ đang "xếp chỗ". Trong số này, có không ít các dự án với công suất lên đến hàng trăm MW.
Chỉ riêng trong lĩnh vực điện gió, chưa đầy 1 tháng cuối của năm 2018, Bộ Công Thương đã tiếp nhận ít nhất 3 đề xuất bổ sung quy hoạch cho các dự án với tổng công suất đã vượt 1.000 MW.
Ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng Luật Quy hoạch mới có hiệu lực từ đầu năm 2019, trong khi nghị định hướng dẫn chưa ban hành. Tinh thần của luật Quy hoạch khác rất nhiều so với công tác quy hoạch mà chúng ta vẫn làm từ trước.
"Ngành điện có quy hoạch năng lượng nói chung, có quy hoạch điện lực quốc gia, quy hoạch điện lực tỉnh, vùng như 7 vùng kinh tế, ngoài ra có quy hoạch cho từng dạng như điện gió, điện mặt trời. Nhưng theo luật quy hoạch mới thì ngành điện chỉ còn 2 quy hoạch. Một là quy hoạch điện quốc gia. Hai là phần điện lực được tích hợp trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tức quy hoạch tỉnh", vị Thứ trưởng nói.
Ông Vượng nhấn mạnh cả 2 loại này đều do Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh đó, theo Luật Điện lực, để triển khai các dự án điện phải theo quy hoạch. Cho nên để triển khai tiếp công tác quy hoạch, phát triển các dự án điện hiện nay, thì phải chờ hướng dẫn luật Quy hoạch. Xem nhà đầu tư đề xuất một dự án thì liệu có cần bổ sung vào quy hoạch hay không, nếu cần thì phải đề xuất Thủ tướng phê duyệt hay phân cấp cho bộ, hay là để địa phương.
Nếu không cần quy hoạch các dạng năng lượng tái tạo như điện gió hay mặt trời thì trong trường hợp này triển khai một dự án ra sao. Tất cả đang treo lại và phải chờ hướng dẫn của Chính phủ để triển khai các dự án chưa qua quy hoạch.
Trong báo cáo các vướng mắc trong ngành công thương lên Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết hiện nay Bộ nhận được 370 dự án đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch nhưng chưa có căn cứ để triển khai thực hiện. Cụ thể có khoảng 210 dự án điện mặt trời, 5 dự án điện khí, 3 dự án chất thải rắn, 59 dự án điện gió. Về lưới điện có tổng cộng 91 dự án đang chờ.
Trong số này có 19 dự án điện mặt trời đã được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch nhưng Bộ Công Thương chưa có cơ sở để thẩm định hoặc trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung quy hoạch.
Nguyên nhân được Bộ Công Thương cho là chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục lập thẩm định phê duyệt quy hoạch gây lúng túng khi bổ sung quy hoạch dự án có cần phí thực hiện theo trình tự lập quy hoạch mới hay được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư 43 năm 2013.
"Do chưa có các hướng dẫn cụ thể thực hiện Luật Quy hoạch nên việc bổ sung các dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực bị kéo dài, đình trệ", báo cáo nêu.
"Không xử lý cả nước đình trệ hết vì quy định của luật"
Nguyên nhân của việc hàng trăm dự án đình trệ được Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị soạn thảo của Luật Quy hoạch cho là việc sửa đổi bổ sung 52 luật, pháp lệnh có liên quan đến Luật quy hoạch nên pháp luật chuyên ngành có liên quan đến quy hoạch đã hết hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Vì vậy các quy hoạch này không thể trình duyệt theo quy định của pháp luật chuyên ngành mà phải trình theo Luật Quy hoạch, nhưng lại chưa có hướng dẫn của Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật chuyên ngành đã hết hiệu lực nên không thể thực hiện việc điều chỉnh cục bộ các quy hoạch này mà phải làm thủ tục theo Luật Quy hoạch. Tức là phải thực hiện thủ tục trình duyệt như một quy hoạch mới.
Trong cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây về Luật Quy hoạch, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định Luật quy hoạch có hiệu lực từ 2019, nếu không xử lý tốt và sớm ban hành được văn bản thì cả nước đình trệ hết vì quy định của luật. Nếu không tích hợp được quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng và quy hoạch quốc gia thì tất cả các tỉnh, bộ, địa phương dừng hết, không làm gì cả.
"Tôi băn khoăn không biết bao giờ quy hoạch quốc gia, quy hoạch tỉnh tích hợp được? Những quy hoạch đang làm dở có làm tiếp không, có cho thẩm định không, thẩm định rồi có phê duyệt không. Những cái đã phê duyệt thì có tiếp tục cho điều chỉnh, bổ sung không hay tất cả nằm im tất…?
Vừa rồi họp Chính phủ các bộ kêu lắm, rồi các tỉnh cũng vậy. Hiện 5 địa phương chưa phê duyệt được quy hoạch sử dụng đất cũng phải dừng hết cả lại, chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng nói đang vướng luật Quy hoạch", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói một nhà máy điện khởi công muốn đầu tư cũng không được, vì không bổ sung được quy hoạch.
Một dự án của Bộ Giao thông cũng không làm được vì không có trong quy hoạch mà không bổ sung được. Tất cả vấn đề đều do chúng ta hết, từ chúng ta hết.
Ông Dũng nhấn mạnh Thủ tướng rất quan tâm, yêu cầu trình sớm Nghị định này.