Nhìn chung, trong tháng 9, số doanh nghiệp giảm 23,1%, vốn đăng ký giảm 29,6%, số lao động giảm 13,8% so với tháng 8.
Tổng cục Thống kê cho biết, việc sụt giảm cả về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, vốn đăng ký và số lao động là do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời do tháng 9 dương lịch trùng với tháng 7 âm lịch.
Trong 9 tháng đầu năm, có gần 99 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên cả nước, với tổng số vốn đăng ký là 1.428,5 nghìn tỷ đồng, số lao động đăng ký đạt 777,9 nghìn lao động.
Như vậy, số doanh nghiệp đã giảm 3,2%, vốn đăng ký tăng 10,7% và số lao động giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đạt 14,4 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu tính cả vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 9 tháng năm nay đạt 3.601,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo khu vực kinh tế, 9 tháng năm có 1.949 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 31,1%; gần 29,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 7,8%; 67,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 8,1% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản còn có ngành sản xuất phân phối điện, nước, gas có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 4.241 doanh nghiệp, tăng 269,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Các ngành còn lại đều có số doanh nghiệp thành lập mới giảm, bao gồm: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy giảm 2,6% so với cùng kỳ năm 2019; xây dựng giảm 2,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 4,5%; khoa học công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác giảm 1,1%.
Tổng cộng cả nước có 34,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đầu năm, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 9 tháng đạt 133,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong giai đoạn này là 38,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 81,8%; 27,6 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 2,4%; gần 12,1 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 0,1%; 36,5 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 39,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều tra của Tổng cục Thống kê về xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2020 chỉ ra: 32,2% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2020 tốt hơn quý II/2020; 31,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định.
Ngoài ra, 82,8% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020. Theo sau là doanh nghiệp nhà nước với 81,7% và doanh nghiệp ngoài nhà nước với 80,2%.
Trong khi đó, con số này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt đạt 81,7% và 80,2%.