Hàng loạt vườn cà phê ở Tây Nguyên đã chín đỏ, bà con chưa kịp thu hoạch thì hoa cà phê đã nở trắng xóa. Điều này có thể gây nguy cơ mất mùa vào năm tới. Ảnh: Trần Hiền
1. Duy trì hệ cây che bóng, hoặc trồng bổ sung cây che bóng, cây trồng xen (bơ, sầu riêng) trong vườn cà phê: Trồng cây che bóng có tác dụng điều hòa tiểu khí hậu trong vườn cà phê, giảm ánh sáng trực xạ, giảm bốc thoát hơi nước của cây và của mặt đất nên ít chịu tác của hiện tượng sốc nhiệt khi gặp hạn hán tức thời.
Ngoài ra, do tác dụng tích cực của hệ thống cây che bóng trong việc điều chỉnh tỷ lệ chuyển hóa hydrat cacbon (C/N) ở mức thích hợp nên hiện tượng phân hóa mầm hoa sớm trong những giai đoạn hạn tức thời của mùa mưa thường ít xảy ra.
Tuy nhiên, nếu mật độ cây che bóng cao hơn 100 cây/ha thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất vườn cà phê do cây cà phê không nhận được ánh sáng đầy đủ để đảm bảo các quá trình sinh lý, sinh hóa diễn ra thuận lợi cho việc phân hóa mầm hoa khi mùa khô hạn xảy ra sau khi thu hoạch.
2. Bón phân cân đối, hợp lý: Bón phân hợp lý, cân đối giúp cây sinh trưởng khỏe góp phần trong việc điều chỉnh tỷ lệ C/N ở mức phù hợp trong mùa mưa nên có thể ít chịu ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn, vì vậy hạn chế được hiện tượng ra hoa sớm.
Những cành cà phê đã chín khô trên cây song bà con nông dân ở Gia Lai vẫn chưa thu hái vì hoa cà phê bỗng dưng nở bung trắng xóa. Ảnh: Trần Hiền
Đối với vườn cà phê có cây che bóng với mật độ hợp lý, cùng với chế độ bón phân cân đối, hợp lý thì ảnh hưởng của các đợt hạn ngắn trong mùa mưa sẽ không làm cho cà phê phân hóa mầm hoa sớm. Khi có thời gian khô hạn kéo dài phù hợp thì cây cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đồng loạt hơn và hoa sẽ nở tập trung khi được cung cấp nước đầy đủ.
3. Tạo hình, tỉa cành đúng kỹ thuật: Tạo hình, tỉa cành hợp lý, đúng kỹ thuật, đúng thời điểm giúp cây có bộ tán cân đối, hệ thống cành dự trữ khỏe mạnh sẽ giúp cây ít bị ảnh hưởng bởi các đợt hạn ngắn trong mùa mưa, vì vậy hạn chế được tình trạng ra hoa sớm. Khi có điều kiện thuận lợi (khô hạn dài từ 1 - 2 tháng) thì cà phê sẽ phân hóa mầm hoa đầy đủ, tập trung, khi tưới nước sẽ giúp hoa nở đồng loạt, có khi lên đến 80 - 90%.
4. Tưới nước đúng thời điểm: Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, trong mùa mưa thường xuất hiện các đợt hạn ngắn nên có một tỷ lệ nhất định số đoạn cành già cỗi, cành mang nhiều quả có tỷ lệ C/N cao nên có thể xảy ra quá trình phân hóa mầm hoa, hình thành chồi hoa. Trên vườn cà phê vẫn còn một tỷ lệ cành, đoạn cành còn đang sung sức, chưa có biểu hiện phân hóa mầm hoa do thời gian khô hạn chưa đủ dài.
Nếu tưới vào giai đoạn này thì tỷ lệ nở hoa sẽ rất ít, rải rác và do đất đủ ẩm kéo dài nên dẫn đến việc kéo dài thời gian phân hóa mầm hoa hoặc sẽ không phân hóa mầm hoa được do sinh trưởng dinh dưỡng chiếm ưu thế.
Quả cà phê chín chưa hái, nhưng hoa đã nở trắng xóa. ảnh: T.H
Trong trường hợp này, chúng ta đừng nôn nóng mà lợi dụng đặc tính sinh lý của cây cà phê là khi phân hóa mầm hoa thành chồi hoa, nếu thời tiết tiếp tục khô hạn thì chồi hoa bước vào thời kỳ ngủ nghỉ; trong khi đó số cành, đoạn cành còn lại tiếp tục phân hóa mầm hoa.
Đợi đến khi hoa cà phê đạt được độ lớn nhất định (dài hoa từ 1 - 1,5cm), có màu trắng ngà hoặc trắng sữa, lá héo vào ban ngày (độ ẩm đất khoảng 27%) thì tưới nước cho cà phê là đúng thời điểm; tỷ lệ hoa nở sẽ rất cao khoảng 80 - 90%, tập trung, do vậy thuận lợi cho việc thu hoạch và chăm sóc sau này./.