Thiệt hại kinh tế mà Covid-19 gây ra cho một quốc gia không chỉ do chính sách cách ly xã hội của chính phủ để ngăn chặn sự lây lan đại dịch, mà còn là do gián đoạn chuỗi cung ứng. Những gián đoạn cung ứng này bắt đầu ngay cả trước khi các quốc gia đóng cửa và sẽ còn tiếp tục sau khi đại dịch kết thúc.
Nhập khẩu
Thiếu hụt các sản phẩm trung gian sẽ dẫn đến gián đoạn quá trình sản xuất. Quốc gia nào càng phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng như Trung Quốc, Đức..., thì bản thân họ cũng thiệt hại càng lớn.
Biểu đồ 1 cho thấy sự phụ thuộc của các nền kinh tế vào nguồn cung ở 10 nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất, dẫn đến giảm năng lực sản xuất nhiều nhất.
Việt Nam và Ireland nằm trong số 5 nền kinh tế hàng đầu phải chịu thiệt hại vòng 2 nặng nề, do sản xuất giảm ở các đối tác cung ứng quan trọng.
Cuộc khủng hoảng coronavirus bắt đầu ở Trung Quốc, do đó, Việt Nam và các nền kinh tế châu Á khác phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc như: Singapore, Hong Kong, Malaysia, Thái Lan và Campuchia (xem biểu đồ) sẽ bị ảnh hưởng trước tiên.
Vì có nhiều quốc gia không đo lường đầy đủ số ca dương tính, OECD- ICIOT, ING sử dụng số ca tử vong làm chỉ số. Đây không phải là thước đo hoàn toàn chính xác về năng lực sản xuất đã bị ngừng hoạt động.
Covid-19 đã lan sang châu Âu và đang gia tăng ở Mỹ, biểu đồ cho thấy các quốc gia như Luxembourg, Ireland, Hungary, Cộng hòa Séc và Bỉ đang phải chịu đựng tác động vòng 2. Hiện tại, 10 trong số 15 quốc gia tiếp xúc nhiều nhất với tình trạng thiếu nguồn cung là ở châu Âu.
Hoa Kỳ là một nền kinh tế tương đối khép kín, do đó ít bị ảnh hưởng bởi việc thiếu nguồn cung trung gian nước ngoài, nhưng sự sụp đổ kinh tế ở Mỹ do dịch lây lan nhanh chóng, tạo ra những vấn đề đáng kể cho Canada, nơi phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Mỹ (xem biểu đồ 1).
8/10 nhà cung cấp lớn nhất của thị trường thế giới cũng nằm trong top 10 quốc gia bị virus tấn công nhiều nhất (biểu đồ 1). Theo cả hai biểu đồ tương ứng với 2 cách tiếp cận, Luxembourg, Malta, Ireland, Việt Nam, Singapore, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia nằm trong top 10 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi sự gián đoạn nguồn cung. Trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Canada là nơi dễ bị tổn thương nhất.
Xuất khẩu
Các nền kinh tế mở không chỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi phía cung, mà còn là phía cầu. Ngay cả sau khi virus đã được kiểm soát trong nước, một nền kinh tế mở sẽ tiếp tục bị thiệt hại vì nhu cầu ở các quốc gia bạn hàng của họ giảm. Hình 3 cho thấy quốc gia nào phụ thuộc nhiều nhất vào xuất khẩu.
Giả sử rằng virus làm giảm chi tiêu trên toàn thế giới, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các quốc gia chỉ xuất khẩu một phần nhỏ sản xuất (như Mỹ, Ấn Độ và Brazil) sẽ chịu thiệt hại ít hơn so với các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhu cầu nước ngoài (như Ireland, Hungary, Singapore và Việt Nam).
Trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Đức bị ảnh hưởng nhiều nhất thông qua kênh này của chuỗi giá trị, tiếp theo là Canada.
Phục hồi
ING hy vọng rằng cầu của Trung Quốc phục hồi trước tiên, như một sự "giảm đau" cho những quốc gia phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc.
Kết luận
Kết hợp hai kênh xuất và nhập khẩu, dữ liệu trên cho thấy các nền kinh tế mở bị tổn thương nhiều vì thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Các nền kinh tế mở cũng sẽ phải chịu đựng thiệt hại trong thời gian dài hơn vì phải đợi bạn hàng hồi phục. Luxembourg, Ireland, Singapore và Việt Nam có thể sẽ là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất .
Trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Canada chịu thiệt hại phần lớn do nguồn cung nước ngoài giảm và Đức chịu phần lớn do nhu cầu nước ngoài yếu.