Về cơ bản, đại dịch Covid-19 đã khiến mọi khía cạnh của đời sống thay đổi. Ngoài cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng và khủng hoảng kinh tế hiện nay, chúng ta cũng đối mặt với 1 cuộc khủng hoảng thế hệ, khiến những khoảng cách giữa các thế hệ và những điểm mất cân bằng trong nền kinh tế cũng như xã hội thu hút được nhiều sự chú ý hơn bao giờ hết.
Thách thức chưa từng có tiền lệ mà Covid-19 mang đến cũng là thứ khiến toàn thế giới ‘thức tỉnh". Hệ thống kinh tế xã hội hiện tại – được dẫn dắt bởi chủ nghĩa ưu tiên cổ đông và mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn – đang bị hoài nghi. Trong bối cảnh đó, thế giới cần đến 1 mô hình bền vững hơn, vững chãi về tất cả mọi mặt: kinh tế, xã hội và môi trường.
Cách các doanh nghiệp ứng phó với khủng hoảng cho thấy vẫn tồi tại 1 triết lý quản trị ưu việt hơn. Theo World Economic Forum, các doanh nghiệp gia đình -được quản lý tốt hơn và gắn hết hơn, xoay quanh những người chủ sở hữu có mục tiêu rõ ràng hơn – sẽ là mô hình kinh doanh tốt hơn.
Ví dụ, công ty tư nhân lớn nhất thế giới, ông trùm nông nghiệp Cargill đã thành lập 1 quỹ trị giá 15 triệu USD để hỗ trợ nhân viên trên khắp thế giới. Adriana Cargill, hậu duệ của nhà sáng lập tập đoàn, là người đứng sau ý tưởng này và đã kêu gọi tất cả các thành viên trong gia đình hỗ trợ tài chính cho quỹ. "Tổ tiên của tôi đã lập nên công ty, nhưng công ty sống sót được là nhờ các nhân viên, và chúng tôi có trách nhiệm hỗ trợ những người đã hỗ trợ chúng tôi", bà nói.
Tương tự, tập đoàn hóa chất của Bỉ Solvay cũng lập quỹ hỗ trợ các nhân viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhóm lãnh đạo cao cấp mở rộng của công ty đã tình nguyện đồng ý trích 15% trong nửa năm lương của họ cho quỹ. Nicolas Boel, chủ tịch hội đồng quản trị, còn đóng góp 50% lương cả năm. Các thành viên của gia đình – đại diện cho hơn 2.300 cổ đông – đã đồng ý đóng góp 1/3 cổ tức mà họ nhận được.
Các công ty gia đình là những tổ chức thuộc hàng lâu đời nhất và phủ rộng nhất, từ những cửa hàng nhỏ tại góc phó cho tới những cái tên ai cũng biết đến như Swarovski và cả những công ty niêm yết như Walmart hay các công ty tư nhân như Mars. Nhiều công ty gia đình có truyền thống đạo đức rất tốt.
Có 4 đặc điểm giúp các công ty gia đình có thể dẫn đầu đà hồi phục của các doanh nghiệp sau đại dịch.
1/ Sự trường tồn sẽ đem lại thịnh vượng
Các công ty đại chúng thường hoạt động theo cơ sở từng quỹ, trong khi các công ty gia đình hoạt động dựa trên các quy tắc của truyền thống gia đình – điều mà các doanh nghiệp nên học tập. Trung bình nhiệm kỳ của 1 CEO công ty đại chúng sẽ kéo dài 7 năm, trong khi tại các công ty tư nhân CEO thường tại vị 25 năm.
Đối mặt với những vấn đề toàn cầu vượt quá tầm chu kỳ báo cáo theo quý, các công ty gia đình với những mục tiêu dài hạn sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn cho các cổ đông.
Có nhiều bằng chứng cho thấy các công ty hướng về dài hạn sẽ hoạt động tốt hơn. Các công ty gia đình cũng tỏ ra vững vàng hơn so với các công ty khác trong đại dịch.
Lee Kum Kee, công ty sản xuất nước sốt 132 năm tuổi, đang triển khai kế hoạch duy trì hoạt động kinh doanh thêm 1000 năm nữa (tuổi thọ trung bình của các công ty niêm yết trong chỉ số S&P 500 là dưới 20 năm). Làm sao 1 công ty có thể tồn tại lâu như vậy nếu như không có được niềm tin của nhân viên và sự yêu thích của người tiêu dùng?
2/ Tính trách nhiệm
Các công ty gia đình có khả năng triển khai những thay đổi rất lớn trên toàn bộ tổ chức một cách nhanh chóng và hiệu quả. Có hàng trăm tỷ USD và hàng nghìn nhân viên, sức mạnh của họ là rất lớn.
Truyền thống gia đình, nguồn cảm hứng từ gia tộc là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh và trở thành nguồn động viên lớn. Điều này khuyến khích tinh thần trách nhiệm, ưu việt hơn so với các cổ đông ẩn danh và rải rác thường phớt lờ lợi ích dài hạn hơn.
Nicolas Pictet, Chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng tư nhân Thụy Sĩ Pictet, giải thích: "Chúng tôi tự coi bản thân là những người canh gác của cải của chính mình, với sứ mệnh khiến cho giá trị của công ty tăng lên và chuyển giao công ty cho thế hệ sau ở trong trạng thái tốt nhất có thể".
Gia tộc Chearavanont, những người chủ sở hữu của tập đoàn thực phẩm CP (Thái Lan) có cả 1 bộ quy tắc hướng dẫn để tạo ra thịnh vượng cho đất nước, cho địa phương và cho công ty. Suphachai Chearavanont, CEO của CP Group và là thế hệ thứ 3, nhấn mạnh bộ quy tắc đó là trọng tâm của mọi điều mà CP làm, đặc biệt là trong những thời khắc khó khăn, thử thách nhất.
Trong đại dịch, CP đã tặng 29,14 triệu USD cho các nhân viên y tế ở nhiều nơi. Không chỉ cam kết không sa thải nhân viên vì Covid-19, tập đoàn đã tuyển dụng 28.000 nhân viên trên khắp Thái Lan.
3. Trách nhiệm xã hội
Nhiều doanh nghiệp đóng góp cho xã hội thông qua Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) hoặc các hoạt động từ thiện. Tuy nhiên, đây chỉ là 1 phần. Các doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm từ thiện hoặc triển khai các hoạt động CSR mà vẫn có thể tối đa hóa lợi nhuận.
Đối với André Hoffmann, 1 nhà từ thiện cũng là Phó Chủ tịch của một trong những công ty dược lớn nhất thế giới Roche, các cổ đông sẽ không chỉ muốn biết hiệu suất đầu tư mà còn muốn biết cả những tác động từ công ty mà họ sở hữu hoặc đầu tư vào. Khái niệm ưu tiện lợi nhuận bằng mọi giá rồi sau đó "sửa chữa" bằng các hoạt động từ thiện không còn đáp ứng được kỳ vọng của xã hội và người tiêu dùng.
4/ Cần 1 thước đo khác?
Trong suốt 50 năm qua, tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn và ưu tiên cổ đông là những triết lý thống trị cách quản trị doanh nghiệp trên khắp thế giới. 157 trong số 200 thực thể kinh tế lớn nhất thế giới hiện là các doanh nghiệp – các tập đoàn đa quốc gia có quyền lực vô song trong xã hội.
Tuy nhiên 1 nghiên cứu mới đây của McKinsey cho thấy những bằng chứng rõ ràng rằng hoàn toàn có thể đạt được trạng thái tốt cho tất cả: lợi nhuận, con người và hành tinh của chúng ta.
Gốc rễ của vấn đề nằm ở cách đo lường giá trị của doanh nghiệp. Trong quá khứ, chúng ta chỉ tính toán và báo cáo các chỉ số tài chính trong khi các chỉ số về trách nhiệm với môi trường và xã hội được đặt trong hệ quy chiếu hoàn toàn khác. Thế giới cần đến 1 thước đo bao trùm hơn, bền vững hơn.
Tham khảo World Economic Forum