Với nhiều câu chuyện từ thương mại đến bình đẳng giới, từ lò phản ứng hạt nhân đến các startup kỳ lân, Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN 2018) đã khép lại sau 3 ngày tràn ngập các hoạt động sôi nổi.
9 lãnh đạo cấp cao nhất của các nước ASEAN cùng với hơn 1.000 doanh nghiệp thành viên của WEF đã bàn luận rất nhiều vấn đề xoay quanh chủ đề chính của hội nghị là "tinh thần doanh nghiệp và cách mạng 4.0".
Và dưới đây là top 4 câu chuyện nổi bật nhất của WEF ASEAN 2018 toát lên tinh thần của sự kiện được các lãnh đạo của WEF nhấn mạnh là sự kiện mang tầm khu vực thành công nhất lịch sử 27 năm.
1. Tổng thống Indonesia ví mình là "siêu anh hùng" chống lại chiến tranh thương mại
Ảnh: World Economic Forum.
Đó không phải là những ngôn ngữ mà các lãnh đạo thế giới thường dùng, nhưng vị Tổng thống của Indonesia đã sử dụng các hình ảnh từ loạt phim bom tấn nổi đình nổi đám để truyền đi bài học sâu sắc về kinh tế.
"Kể từ thời kỳ Đại suy thoái những năm 1930 đến nay, thế giới chưa bao giờ chứng kiến chiến tranh thương mại căng thẳng như bây giờ. Nhưng tôi đảm bảo rằng tôi và các "đồng đội siêu anh hùng" sẵn sàng chống lại Thanos, ngăn hắn ta xóa bỏ một nửa thế giới". Thanos chính là nhân vật phản diện trong thế giới siêu anh hùng của Marvel, kẻ muốn hủy diệt một nửa thế giới để trở nên một cuộc sống tốt đẹp hơn vì tài nguyên của thế giới chỉ là hữu hạn.
Bài phát biểu thú vị của ông Joko Widodo có 1 điểm quan trọng: kinh tế không phải là "trò chơi có tổng bằng 0" mà trong đó người này thắng thì người kia sẽ thua, đặc biệt là trong bối cảnh các công nghệ mới mà cuộc cách mạng 4.0 mang đến tạo ra các nguồn tài nguyên vô hạn. Giống như nhiều lãnh đạo thế giới khác đã nhấn mạnh, ông Widodo khẳng định lại các quốc gia hoàn toàn có thể giao thương và cùng nhau trở nên thịnh vượng.
Thương mại cũng là chủ đề được bàn luận rất nhiều trong các phiên thảo luận, trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt trong cuộc chiến thuế quan.
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa cũng truyền đi thông điệp về tự do thương mại: "Chúng ta cần phải nêu cao tinh thần cởi mở và hướng đến các lợi ích chung. Tự cô lập bản thân sẽ chẳng dẫn đến đâu cả... Chúng ta phải cương quyết chống lại chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương".
Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono bày tỏ sự ủng hộ đối với hiệp định TPP và hi vọng nước Mỹ sẽ thay đổi quan điểm và cuối cùng sẽ quay trở lại TPP. Trong khi đó người đồng cấp của ông, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-Wha cũng cho biết bà hi vọng Hàn Quốc sẽ sớm gia nhập TPP.
2. Sự xuất hiện ấn tượng của những nhà lãnh đạo trẻ
Từ trái sang: Bộ trưởng Malaysia Syed Saddiq; Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Hướng tới tương lai Thái Lan; Grace Natalie, đồng sáng lập của Đảng Đoàn kết Indonesia. Ảnh: World Economic Forum.
Ở tuổi 25, Syed Saddiq đã trở thành Bộ trưởng trẻ tuổi nhất từ trước đến nay của Malaysia và cũng là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất thế giới. Để theo đuổi sự nghiệp chính trị, ông đã 2 lần từ chối học bổng của ĐH danh giá Oxford.
Những phát biểu của ông trong "Diễn đàn mở: ASEAN 4.0 cho tất cả" đã truyền đi những thông điệp mạnh mẽ đến giới trẻ. Ông khuyến khích các bạn sinh viên đang chăm chú lắng nghe ở phía dưới hãy "phá cách" chứ không chỉ đơn giản là thích ứng với những thay đổi mà cách mạng 4.0 mang lại.
Diễn đàn lần này còn có sự tham gia của Grace Natalie, đồng sáng lập của Đảng Đoàn kết Indonesia – một đảng mới tập trung vào thế hệ millennials và đang kỳ vọng sẽ tạo ảnh hưởng trong cuộc bầu cử Indonesia năm 2019.
Bên cạnh đó là Thanathorn Juangroongruangkit, lãnh đạo đảng Hướng tới tương lai Thái Lan, người được so sánh với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhưng cựu CEO này còn trẻ hơn cả hai lãnh đạo nói trên khi mới chỉ 40 tuổi.
3. Tâm trạng lạc quan bao trùm WEF ASEAN 2018
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bắt tay Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schwab. Ảnh: World Economic Forum.
Dù trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang leo thang trên toàn thế giới hay cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn được cho là mang lại những nguy cơ như máy móc cướp đi việc làm của con người, bao trùm hội nghị là một không khí lạc quan toát lên sức sống của ASEAN – khu vực được đánh giá là có nhiều tiềm năng để tận dụng những cơ hội mà cách mạng 4.0 mang lại.
ASEAN có nhiều lý do để có thể lạc quan: đây là khu vực có dân số trẻ năng động với tinh thần khởi nghiệp cao, là thị trường tiêu dùng lớn thứ 3 thế giới với hơn 630 dân, nếu là 1 nền kinh tế đơn nhất ASEAN sẽ có tổng GDP đạt khoảng 2.400 tỷ USD và GDP bình quân đầu người của khu vực đã tăng trưởng 63,2% trong giai đoạn 2007 – 2015.
"Tôi rất lạc quan rằng ASEAN sẽ tạo ra điểm khác biệt, nhận thức đúng đắn những thách thức và tận dụng tốt những cơ hội mà cách mạng 4.0 mang lại bằng cách đạt được dòng chảy tự do về nhân lực, dữ liệu, vốn và giáo dục giữa 10 nước thành viên", ông Nazir Razak, Chủ tịch tập đoàn CIMB Group Holdings của Malaysia nói.
Ông Kevin Sneader, chuyên gia của McKinsey & Company, cũng cảm nhận được sự lạc quan trong các cuộc đối thoại của hội nghị và quan sát thấy những yếu tố cơ bản vẫn rất vững chắc. "Chúng ta đã trao đổi nhiều vấn đề như USD tăng giá, lạm phát, tài khóa, tuy nhiên thế giới vẫn còn rất vững chắc dù trong ngắn hạn có một số xáo trộn nhưng tôi tin rằng Asean không quá khó khăn để vượt qua những xáo trộn đó".
4. Thời khắc lịch sử cho hòa bình
Ngay trước thềm cuộc gặp lần thứ 3 trong năm nay giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-Wha của Hàn Quốc đã nói về cơ hội chưa từng có để cải thiện mối quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên.
"Suốt 3 thập kỷ qua, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã trở thành mối đe dọa lớn và nghiêm trọng. Nhưng giờ đây, thông qua những nỗ lực ngoại giao... trong năm vừa qua chúng ta đã có cơ hội thực sự để Triều Tiên hoàn thành chương trình phi hạt nhân hóa và thiết lập nền hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên", bà phát biểu trong phiên khai mạc hội nghị.