Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Troostre và Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chủ trì hội nghị. Có gần 200 đại biểu tham dự từ Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các bộ ban ngành Trung ương, các sở NN&PTNT trong cả nước cùng các doanh nghiệp hiệp hội và các chuyên gia nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề “Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản” tổ chức sáng nay 11/12. Ảnh: Đình Thắng
Hội nghị tập trung phân tích những cơ hội, khó khăn cản trở, những điểm nghẽn chính cũng như sự gợi mở, cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Trong 30 năm đổi mới ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc trong sản xuất, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, thu nhập, ổn định an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định chính trị-xã hội của đất nước.
Về thương mại, nông nghiệp Việt Nam luôn trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 35-36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy vậy theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã được coi là một “cường quốc” về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Trong khâu sản xuất, ngành nông nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao còn hạn chế, v.v… Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 25% đến 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại (trong khi mức trung bình các nước ASEAN là 50%).
Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế là điểm đặc biệt cần được lưu tâm. Đây cũng là rào cản lớn nhất mà các nước sẽ dựng lên nhằm ngăn cản nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khâu chế biến và phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt Nam còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ như cung cấp tín dụng theo chuỗi, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; khâu dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, mặc dù đã bước đầu được triển khai, song còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó tác động của biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt tạo nên những rủi ro, thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập, đời sống của nông dân và kinh tế khu vực nông thôn.
Chính vì những hạn chế trên, tại hội nghị toàn thể ISG 2017 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới của ngành nông nghiệp Việt Nam. Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thứ hai, tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và VSATTP, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.
Thứ ba, kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.