Hội nghị công nghệ lớn nhất châu Âu Web Summit cũng giống như sự kiện âm nhạc kéo dài 3 ngày - Woodstock, đối với những tín đồ công nghệ. Trong 3 ngày, 70.000 người yêu thích và nhà đầu tư công nghệ đã tập trung tại Lisbon, Bồ Đào Nha. Những "ngôi sao", như ông chủ của Wikipedia hay chủ tịch Huawei, đều có mặt trên sân khấu chính. Ở khu vực khác, khách tham quan xếp hàng mua những chiếc quần jeans in 3D hoặc theo dõi chương trình giới thiệu của những start-up mới.
Tuy nhiên, ẩn sau những "màn biểu diễn" hào nhoáng ấy lại là sự lo ngại ngày càng lớn của các công ty fintech. Sau nhiều năm e dè, các "Big Tech", với hàng tỷ người dùng và những "chiếc hòm chiến tranh" khổng lồ, đã thực sự bước vào lãnh thổ của fintech và đập tan bữa tiệc mà họ đang ăn mừng. Daniel Webber, đến từ FXC Intelligence - một công ty dữ liệu, cho hay: "Đó là nhóm mà mọi người đều sợ hãi nhất."
Mỗi thành viên của "bộ tứ GAFA" (Google, Amazon, Facebook, Apple) đang thực hiện những động thái "tấn công". Hồi tháng 6, Amazon ra mắt một thẻ tín dụng dành cho người mua sắm không sử dụng dịch vụ ngân hàng. Apple cũng trình làng thẻ tín dụng của hãng vào tháng 8 vừa rồi. Facebook công bố một hệ thống thanh toán mới hôm 12/11. Ngày hôm sau, Google cho biết họ bắt đầu cung cấp tài khoản thanh toán tại Mỹ vào năm 2020.
Antony Jenkins, cựu CEO của Barclays, cho rằng mỗi sáng kiến của các Big Tech là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, khi gộp lại, họ đã đánh dấu sự tăng tốc mạnh mẽ của một xu hướng có thể định hình lại ngành tài chính.
Thực ra, GAFA từ lâu đã hướng ánh nhìn đến lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, đến gần đây, họ mới tập trung vào mảng thanh toán và thực hiện theo những cách riêng. Apple Pay và Google Pay là ví điện tử, là phiên bản kỹ thuật số của thẻ thanh toán nhưng không xử lý giao dịch hay tính phí cho các máy thanh toán (merchant). Họ chỉ đơn giản lưu trữ mọi thông tin ở cùng một địa điểm và thực hiện thanh toán an toàn hơn bằng cách bảo mật thông tin khách hàng. Google thu thập dữ liệu giao dịch, còn Apple thì không. Khi sử dụng các ví này, bạn chỉ cần cầm một chiếc điện thoại và thanh toán với máy POS tương tự như "quẹt thẻ".
Facebook Pay lưu trữ thông tin thẻ để sử dụng trên các nhóm ứng dụng khác nhau (Facebook, Messenger, Instagram, Whatsapp), theo đó khách hàng không cần nhập lại mỗi lần sử dụng. Amazon Pay cũng thực hiện cách thức tương tự và lưu chi tiết các khoản thanh toán trên những trang web của đối tác. Đặc biệt là, Amazon Pay có xử lý các khoản thanh toán - đây là một việc mà các công ty đúng chuyên môn thường đảm nhiệm. Khi một đơn hàng được thanh toán qua Amazon Pay, ứng dụng sẽ hỏi nhà phát hành thẻ liệu họ có đủ tiền hay không. Nếu câu trả lời là có, thì cửa hàng sẽ trả đồ cho khách.
Thành công của những hệ thống này hiện vẫn còn hạn chế. Sau 8 năm, Google Pay chỉ có 12 triệu người dùng ở Mỹ - một thị trường với 130 triệu hộ gia đình. Trong ít nhất 2 tháng, chỉ 14% hộ gia đình sở hữu thẻ tín dụng của quốc gia này sử dụng Apple Pay. Tính đến tháng 10, số lượng người sử dụng Amazon Pay chỉ là 5% so với số lượng dùng PayPal, theo Second Measure.
Điều này hoàn toàn trái ngược với sự bùng nổ của WeChat Pay và Alipay tại Trung Quốc. Các "siêu ứng dụng" này cho phép người dùng thanh toán mọi thứ từ cốc trà cho tới phí taxi, chỉ bằng cách quét mã QR. Ra mắt vào năm 2013, giờ đây họ đã có hơn 1 tỷ người dùng. 2 công ty này xử lý các giao dịch chiếm 1/3 khoản chi tiêu tiêu dùng của Trung Quốc và trở thành các nhà cho vay lớn theo hướng đi riêng của họ.
Dẫu vậy, sự so sánh trên không hoàn toàn công bằng. Trung Quốc có bước tiến xa so với thế giới là bởi quy định của họ tạo điều kiện cho sự phát triển này và vốn thiếu những phương thức thanh toán hiện có. Aaron Klein - đến từ trung tâm nghiên cứu Brookings, chỉ ra rằng giới nhà giàu đã có một hệ thống thẻ tín dụng khá hoàn chỉnh, do đó họ không có nhu cầu sử dụng những sáng kiến mới. Ngoài ra, để hoạt động như các tổ chức thanh toán trên khắp nước Mỹ, những "ma mới" cần có giấy phép ở khắp các tiểu bang.
Điều này khiến cho con hướng đi đến ngành ngân hàng bán lẻ của GAFA còn khó khăn hơn. Vậy tại sao các Big Tech lại muốn trở thành một ngân hàng?
Về cơ bản, một ngân hàng là một bảng cân đối kế toán, một nhà máy biến vốn thành sản phẩm tài chính (như: các khoản vay và thế chấp) và một nhóm sale, Dave Birch đến từ công ty tư vấn Consult Hyperion, cho hay. 2 yếu tố đầu tiên được yêu cầu rất gắt gao và Big Tech lại không quan tâm. Đó là lý do tại sao họ đưa những nhiệm vụ cơ bản cho các ngân hàng. Thẻ của Apple được Goldman Sachs phát hàng, Amazon Pay phát hành bởi JPMorgan, Synchrony và American Express. Các tài khoản của Google thì nhận được sự hỗ trợ từ Citi và một hiệp hội ngân hàng.
Quan trọng hơn cả, GAFA muốn có dữ liệu khách hàng. Họ rất giỏi trong việc đoán sở thích của khách hàng nhờ theo dõi thói quen sử dụng internet và địa điểm. Tuy nhiên, thói quen chi tiêu vẫn hữu ích hơn vì có thể được sử dụng để chạy quảng cáo và quảng bá sản phẩm. Một nhà đầu tư còn cho biết các Big Tech thậm chí sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính.
Tuy nhiên, tại Web Summit, Margrethe Vestager - Uỷ viên Uỷ ban Cạnh tranh châu Âu, đã nêu lên những rủi ro đối với nền dân chủ khi các công ty công nghệ trở nên quá hùng mạnh, đến mức các nhà quản lý khó để giám sát và điều tiết. Bà phát biểu tại sự kiện ở Lisbon: "Chúng ta có thể tiếp cận với tiềm năng đó. Nhưng chúng ta cũng cần làm điều gì đó để kiểm soát những mặt tiêu cực."
Tham khảo Economist