1. Chọn người mở hàng, xông đất
Người châu Á nói chung, người Việt nói riêng thường rất đề cao yếu tố tâm linh. Ngoài việc chọn phong thủy, hướng đặt không gian kinh doanh, những ngày Tết, dân kinh doanh rất cần cẩn trọng trong việc chọn người mở hàng và xông đất đầu năm.
Đầu năm xông đất là một phong tục tập quán truyền thống của dân ta. Theo đó, người đầu tiên đến cửa hàng bạn mở hàng cho năm mới chính là người xông đất. Người này được tin rằng sẽ mang yếu tố quyết định sự buôn may bán đắt cho bạn, hay là những điều xui xẻo trong cả năm tới.
Những người được chọn mở hàng, xông đất thường là những người hợp tuổi với gia chủ, có tính cách xởi lởi, niềm nở và khỏe mạnh, đang phát tài phát lộc thì càng tốt. Nên tránh chọn người mà gia đình có tang hoặc làm ăn thua lỗ, tài vận không tốt trong năm cũ 2019. Có như vậy mới đem may mắn về nhà, gia chủ yên tâm về một năm làm ăn phát tài.
2. Không quét nhà 3 ngày Tết
Dân gian tương truyền ngày xưa có một lái buôn Âu Minh người Trung Hoa được Thủy thần ban tặng cho nàng Như Nguyện khi ngang qua hồ Thành Thảo. Kể từ ngày đưa Như Nguyện về nhà nuôi, sự nghiệp làm ăn của Âu Minh ngày càng phát đạt, tiếng tăm khắp vùng.
Thế nhưng vào một ngày Tết, do không làm chủ được cơn giận dữ, ông đã đánh người hầu của mình, làm cho Như Nguyện sợ quá chui vào đống rác rồi lẩn đi mất. Âu Minh trở nên nghèo đi, thần tài không còn phù hộ nữa.
Từ đó người ta kiêng kỵ không nên quét rác vào 3 ngày Tết để tránh việc thần tài đi mất, cả năm xui xẻo.
Vậy nên với dân kinh doanh, càng phải chú ý quét và đổ rác là điều tối kỵ trong ngày Tết, đặc biệt không được quét dọn cửa hàng. Hãy chuẩn bị tươm tất cửa hàng trước khi nghỉ Tết để những ngày đầu năm mới sạch sẽ, gọn gàng, sẵn sàng đón tài lộc, may mắn.
3. Không vay mượn, không trả nợ
Đầu xuân năm mới là lúc đón tài lộc về nhà, tránh những điều không may mắn dẫn đến "dông" cả năm. Theo quan niệm, người đi vay mượn là người rơi vào tình trạng đói kém, túng thiếu. Thế nên nếu người nào đi vay mượn đầu năm nghĩa là đang rước những điều không may và sự túng thiếu về nhà, buôn bán bất lợi.
Đặc biệt cho vay hay trả nợ cũng là điều kiêng kỵ trong ngày tết. Theo quan niệm xưa, việc trả nợ hoặc cho vay cũng giống như xua đuổi thần tài và "dâng" tài lộc cho người khác. Bởi thế, vào ngày 29 hoặc 30 Tết, những người kinh doanh nên đi thu nợ hoặc trả hết các khoản còn thiếu cho đối tác để tránh xui xẻo trong cả năm mới.
4. Kiêng xuất hành vào ngày xấu
Dân gian quan niệm "Mùng 5, 14, 23 - Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn". Đây được cho là những ngày xấu, tối kỵ xuất hành, làm ăn bởi sẽ gặp thua lỗ.
Quan niệm này xuất phát từ một tục truyền ở Trung Hoa. Vào ba ngày này, Ngọc Hoàng đại đế sẽ cho ba cô công chúa xinh đẹp giáng trần nhằm mục đích làm mê hoặc cũng như phép thử lòng người. Ai gặp phải sẽ bỏ bê công việc, ham mê sắc đẹp, ăn chơi, từ đó lâm vào cảnh sa sút, tài sản ngày một lụi bại.
Ở Việt Nam, dân làm ăn, buôn bán cũng thường tránh những ngày này và coi đó là ngày đại kỵ, không may mắn. Nặng hơn còn có thể làm cho việc kinh doanh lâm vào tình trạng thua lỗ, nợ nần chồng chất.
Kết
Trên đây là những điều nên và không nên làm với giới kinh doanh trong những ngày đầu năm mới. Tuy nhiên, theo khẳng định từ một số nhà nghiên cứu văn hóa thì đây cũng chỉ là quan niệm mê tín trong dân gian, chưa có cơ sở khoa học nào để minh chứng cho điều này.
Thiết nghĩ, buôn bán là phải có đầu óc. Đầu óc ở đây là việc lên cho mình một kế hoạch kinh doanh cụ thể, một chiến lược bán hàng nhạy bén, và nắm bắt thị trường nhanh nhạy. Một mặt bạn vẫn có thể làm theo tín ngưỡng tâm linh truyền thống, một mặt hãy sáng suốt trong đường lối, chiến lược, chắc chắn giới kinh doanh sẽ có một năm buôn bán hiệu quả.