6 ngày, 4 cú sốc
Chỉ trong chưa đầy một tuần, 4 nhà sản xuất ô tô ở Việt Nam đã thông báo tạm dừng hoạt động nhà máy.
Mới chỉ vài tháng trước, Ford Việt Nam vừa mở rộng quy mô nhà máy ở Hải Dương, thì nay đã phải tạm đóng cửa từ ngày 27/3 vì đại dịch Covid-19.
Thời gian tạm thời đóng cửa theo Ford là vô thời hạn, hoặc ít nhất là trong nhiều tuần, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh, lệnh giới hạn từ các quốc gia, tình trạng ảnh hưởng của các nhà cung cấp, và tình hình tồn kho của đại lý. Trước đó, Ford cũng đã tạm thời đóng cửa, dừng sản xuất xe và động cơ tại các nhà máy tại khu vực Bắc Mỹ, châu Âu và Nam Mỹ.
Sau đó 3 ngày, hãng xe ô tô Toyota Việt Nam tiếp tục ra thông báo tạm dừng sản xuất xe ô tô, thời gian sản xuất trở lại sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh, nhu cầu thị trường, tình hình chuỗi cung ứng, tồn kho của các đại lý và quy định của Chính phủ.
"Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là sức khỏe và sự an toàn cho đội ngũ nhân viên, đối tác, khách hàng và cộng đồng. Chúng tôi đang thực hiện các hành động cần thiết để bảo vệ sự an toàn và sức khỏe của họ cũng như giảm thiểu mọi tác động đến hoạt động của công ty. Chúng tôi cũng theo dõi chặt chẽ tình hình để cân nhắc và đưa ra quyết định phù hợp, tuân thủ hướng dẫn của Chính phủ" – đại diện của công ty này cho hay.
Ngày 31/1, TC Motor thông báo sẽ tạm đóng cửa nhà máy Hyundai từ 1/4 đến 15/4/2020. Đại diện TC Motor cho biết: "Việc tạm dừng hoạt động sản xuất tại nhà máy của chúng tôi là một trong những biện pháp để đảm bảo sự an toàn của đội ngũ các bộ công nhân viên, hệ thống đại lý, khách hàng, đối tác và cộng đồng".
Ngay hôm sau, hai nhà Honda ở Vĩnh Phúc và Hà Nam tuyên bố tạm ngưng hoạt động từ 1/4, kéo dài trong hai tuần. Tại Thái Lan, Honda cũng đưa ra quyết định tương tự đối với hai nhà máy sản xuất xe hoàn chỉnh (CBU) ở hai tỉnh Ayutthaya và Prachinburi do tác động của dịch Covid-19.
"Nếu cả cung và cầu đều bị gián đoạn, thì không còn cách nào khác ngoài việc ngừng sản xuất. Tại sao bạn lại sản xuất, nếu các cửa hàng bán lẻ cũng đóng cửa?" – ông Dieter Becker – chuyên gia ngành ô tô của KPMG nói với Trí thức trẻ.
Ông Dieter Becker
"Việt Nam cũng đã làm tốt hơn nhiều!"
Đó không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã đặt ra những thách thức lớn đối với ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu.
Ông Dieter Becker chia sẻ, theo một nghiên cứu mới đây của KPMG về tác động của Covid-19 đến ngành công nghiệp ô tô, 80% các công ty sản xuất ô tô và các công ty có liên quan đến ngành này báo cáo rằng Covid-19 sẽ có tác động trực tiếp đến doanh thu năm 2020 của họ. 78% các công ty không có đủ nhân viên để vận hành một dây chuyền sản xuất đầy đủ.
Hồ Bắc là một trong bốn cơ sở sản xuất ô tô lớn ở Trung Quốc và có hơn 100 nhà cung cấp ô tô. Các nhà máy ô tô ở Hồ Bắc phải đóng cửa cho đến ngày 11/3, hiện đã có một vài trong số đó bắt đầu mở cửa trở lại. Trung Quốc hiện đã trải qua hơn hai tháng bùng phát Covid-19 và doanh số bán xe đã giảm xuống gần bằng không.
Bên ngoài Trung Quốc, Audi đã phải dừng sản xuất mẫu SUV chạy điện e-tron do thiếu pin từ nhà cung ứng LG Chem. Các hãng cung ứng linh phụ kiện ôtô chủ chốt như Marelli, Bosch Continental, Brembo và Schaeffler đều tạm dừng sản xuất hoặc giảm sản lượng linh phụ kiện.
Mary Barra, Giám đốc điều hành của GM cho biết: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách vượt qua thời kỳ khủng hoảng này". Tuy nhiên trước mắt, việc ưu tiên vẫn là ngăn ngừa dịch bệnh lây lan và bảo vệ người lao động được an toàn. Hiện hàng trăm nghìn người thất nghiệp, hoặc nghỉ việc tạm thời, do nhiều nhà máy sản xuất ôtô phải đóng cửa.
Hơn 80% chuỗi cung ứng ô tô của thế giới được kết nối trực tiếp hoặc gián tiếp với Trung Quốc. Hồi tháng 1/2020, doanh số bán xe của Trung Quốc đã giảm tới 18%. Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA) cho rằng doanh số hai tháng đầu tiên có thể giảm 40% hoặc hơn so với cùng kỳ năm 2019. Sự thiếu hụt sản xuất do gián đoạn chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ô tô toàn cầu.
"Hoạt động sản xuất ô tô ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nên dĩ nhiên sẽ bị ảnh hưởng trong tình huống hiện tại. Chỉ có một công ty sản xuất ô tô Made-in-Vietnam thực sự. Tuy nhiên, công ty sản xuất ô tô Made-in-Vietnam của các bạn cũng phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp ở Đức" – ông Dieter Becker đánh giá.
"Điều này có liên quan một phần đến tỷ lệ nội địa hóa thấp của ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, đây là điều khó tránh, và cũng rất khó trách. Bạn sẽ chỉ có được tỷ lệ nội địa hóa cao khi bạn có một thị trường nội địa lớn, với nhu cầu lên đến hàng triệu như ở Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản hoặc châu Âu". Chuyên gia của KPMG giải thích.
"Còn ở đây, chúng ta đang nói về thị trường Việt Nam, nhu cầu hàng năm vẫn còn dưới nửa triệu xe hơi (332 nghìn xe năm 2019). Đối với những thị trường giống như Việt Nam, việc sản xuất mọi thứ tại địa phương sẽ không hiệu quả. Dù sao, Việt Nam cũng đã làm tốt hơn nhiều. Sản lượng ô tô đã tăng lên trong những năm qua và ngành công nghiệp đã được lên kế hoạch để sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước" - ông Dieter Becker nói thêm.
Trung Quốc sẽ "rã băng" trước?
Tuy nhiên, tình hình ở Trung Quốc đang dần trở nên tốt hơn. Theo Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), vào tuần cuối tháng 2, hơn 90% trong số hơn 300 nhà cung cấp phụ tùng ô tô bên ngoài Hồ Bắc đã tiếp tục sản xuất. Dù vậy, tỷ lệ sản xuất vẫn còn thấp do các đơn đặt hàng linh kiện còn yếu và các vấn đề hậu cần vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Trong khi Moody hạ dự báo doanh số bán xe toàn cầu - sẽ giảm 2,5% vào năm 2020 thay vì giảm 0,9% như dự báo trước đó do sự bùng phát Covid-19 - thì hiện tại, doanh số có vẻ như sẽ giảm tới 6-8% trong năm nay, theo dự báo của KPMG, và sẽ còn ảnh hưởng đến tận năm 2021. Tuy nhiên, vì đại dịch sẽ khiến mọi người e ngại việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, nên cũng có thể sẽ có tác động tích cực đến việc mua xe hơi.
Ông Dieter Becker cho hay: "Chúng tôi dự báo sự đình trệ sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 4-5 tháng, trước khi ngành này trở lại bình thường, tính từ lúc làn sóng "ngủ đông" bắt đầu. Họ sẽ có khoảng 4 - 6 tuần ngừng hoạt động, sau đó là 4 tuần để khởi động lại, sau đó sẽ phục hồi dần trong vòng 2 tháng. Trợ cấp sẽ đóng một vai trò lớn đối với quá trình phục hồi này, như có thể thấy ở Trung Quốc".
Viện ô tô KPMG tin tưởng vào sự tái khởi động của ngành công nghiệp ô tô trong 3 quý còn lại của năm. Tuy nhiên, dịch vẫn tiếp tục lây lan và phản ứng không thống nhất đối với coronavirus ở châu Âu sẽ trì hoãn việc khởi động lại các hoạt động kinh tế, mặc dù Trung Quốc đang bắt đầu phục hồi. Các vấn đề tồn đọng (như căng thẳng thương mại, doanh số giảm) có khả năng sẽ vẫn còn ảnh hưởng trong quý 3.
"Từ quan điểm của chúng tôi, điều quan trọng nhất là xem Covid-19 như một làn sóng toàn cầu, ngành công nghiệp ô tô phải được đánh giá cả ở phía cung và phía cầu" – báo cáo của KPMG nhận định.
Về triển vọng trong thời gian tới, ông Dieter Becker dự báo: Dù các công ty có hoạt động sản xuất và bán hàng liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc đã bị tác động trực tiếp, song, họ cũng sẽ được hưởng lợi khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi. Và thậm chí, có thể có một sự bùng nổ, khi thị trường nội địa ở các nước được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp từ chính phủ.
Trong khi đó, các công ty phụ thuộc sản xuất vào các nền kinh tế châu Á khác, hoặc Tây Âu và Bắc Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nếu như các khu vực này còn lúng túng trong việc kiểm soát đại dịch. Dự đoán của KPMG là các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng hoặc có chuỗi cung ứng liên quan nhiều đến Trung Quốc sẽ chịu tác động thấp hơn so với các công ty phụ thuộc khu vực khác như châu Âu hay châu Mỹ, vì Trung Quốc đang dần phục hồi.