Mấy chục năm ròng rã tìm... nhà đầu tư
TP HCM mới đây đã đăng đàn kêu gọi đầu tư vào dự án Công viên Safari Sài Gòn. Kể từ năm 2004 ra quyết định thu hồi đất đến nay, TP HCM chỉ đưa ra một lời giới thiệu ngắn gọn sau 15 năm: Đất sạch, có quy hoạch 1/2000 được duyệt.
Công viên Sài Gòn Safari có chức năng bảo tồn, trưng bày, nhân giống các loài thú quý hiếm trên thế giới, được kỳ vọng trở thành khu du lịch sinh thái lớn nhất Việt Nam, tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Vốn đầu tư dự tính lên đến 500 triệu USD.
Công viên Safari Sài Gòn được kêu gọi đầu tư sau mấy chục năm bỏ hoang. Ảnh: UBND TP HCM.
5 năm sau ngày có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên mới tổ chức thi tuyển phương án quy hoạch chi tiết 1/2000, tìm được công ty tư vấn nhưng vẫn chưa ký được hợp đồng thuê tư vấn xây dựng. Dự án dở dang không tiến triển, đến năm 2016, TP HCM lại chấp thuận cho Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup tổ chức nghiên cứu đầu tư, bổ sung, điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000. Tuy nhiên để tập trung vào các dự án khác của Tập đoàn, Vingroup mới đây đã rút lui, TP HCM tiếp tục tìm nhà đầu tư phù hợp.
Một dự án khác là Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Được TP HCM phê duyệt vào năm 1992 nhưng hơn 10 năm sau, thành phố đổi chủ đầu tư rồi giao cho một tập đoàn trong nước lập đồ án quy hoạch phân khu 1/2000. Sau đó, dự án vẫn không thể triển khai vì nhiều lý do, thành phố lại chỉ định Liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Tiểu vương quốc Ả rập Thống Nhất) làm chủ đầu tư. Rồi Emaar Properties PJSC xin rút lui.
Bình Quới - Thanh Đa trông chờ quy hoạch 26 năm. Ảnh: Khổng Chiêm.
Đến tháng 8/2018, tức sau 26 năm quy hoạch “treo”, TP HCM vẫn không chốt được nhà đầu tư mà phải tổ chức đấu thầu chọn lại. 10 doanh nghiệp đã gửi văn bản đề nghị được tham gia đấu thầu dự án, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Sunshine, Tân Hoàng Minh, Liên danh CTCP Đầu tư Golden Star và Công ty TNHH Capital Land... Gần một năm trôi đi, thời điểm đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư hiện nay vẫn chưa được TP HCM xác định, công bố.
Những dự án "lặng thầm"
Một dự án khác "đắp chiếu" 11 năm ở TP HCM là Khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT). Dự án dự kiến được xây dựng trên khu đất khoảng 925 ha tại xã Tân Thới Nhì huyện Hóc Môn, vốn đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD. Đây cũng được coi là dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất của TP HCM.
Vào tháng 3/2017, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho biết dự án mới chỉ xong được một số khâu như phê duyệt quy hoạch nhiệm vụ chi tiết 1/500 vào năm 2011, phê duyệt phương án đền bù giải tỏa vào năm 2013, rà soát bom mìn được khoảng 500 ha, đền bù giải tỏa mặt bằng trên 100 ha, thực hiện vốn góp dự án được 96,5 tỷ đồng.
Bên trong dự ánKhu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) là những căn nhà lụp xụp. Ảnh: Duy Khánh.
Dự án vẫn “án binh bất động” cho đến 2018, Vinhomes chi 11.748 tỷ đồng mua lại từ Tập đoàn Berjaya Land Berhad. Sau đó, Vinhomes chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của dự án cho công ty con là CTCP Đầu tư Xây dựng Thái Sơn. Từ đó đến nay, chủ đầu tư này vẫn chưa cập nhật thêm tiến độ dự án.
Dự án thứ 4 vẫn "nằm trên giấy" là Khu đô thị Sing Việt tại xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh với diện tích hơn 331 ha, có chủ trương quy hoạch từ năm 1997. Đến năm 2007, UBND TP đã ra quyết định thu hồi toàn bộ khu đất để giao cho Công ty liên doanh Đô thị Sing Việt làm chủ đầu tư. Dự án có 571 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 246 hộ dân có nhà bị giải tỏa trắng.
Năm 2011, nội bộ liên doanh chủ đầu tư có vấn đề nên liên doanh đã chuyển thành Công ty TNHH Đô thị Sing Việt (100% vốn nước ngoài) để tiếp tục được thực hiện dự án. Đến nay, 22 năm trôi qua nhưng dự án vẫn án binh bất động, chỉ mới thu hồi “da beo” một phần đất nông nghiệp. Điều đáng nói là dự án đã triển khai bồi thường nhưng chưa xây dựng khu tái định cư, các hộ dân trong dự án vẫn khiếu nại về giá bồi thường.
Khó từ đâu?
4 dự án trên đây chỉ là một phần trong nhiều công trình chậm tiến độ tại TP HCM trong nhiều năm nay.
Nhiều vấn đề liên quan đến dự án chậm triển khai, "treo" cũng được đưa ra tại nghị trường Quốc hội. Ngày 27/5, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà có báo cáo gửi Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.
Bộ trưởng chỉ ra giai đoạn 2011 - 2017, TP HCM đã rà soát phát hiện và xử lý 808 dự án chậm triển khai, kết quả xử lý đã huỷ bỏ quyết định thu hồi đất và giao, cho thuê đất 108 dự án; điều chỉnh cắt giảm diện tích 13 dự án; huỷ bỏ việc chấp thuận địa điểm đầu tư 469 dự án. Ngoài ra, trong năm 2017 và 2018, TP HCM đã rà soát phát hiện 218 dự án khác chậm triển khai với diện tích 182,8 ha.
Tuy nhiên, những dự án "treo" vài chục năm vẫn còn đó. Năm 2018, lãnh đạo TP HCM trả lời báo chí về dự án Khu đô thị Sing Việt cho biết không thể xóa bỏ vì chủ đầu tư đã chuyển kinh phí cho UBND huyện Bình Chánh để bồi thường cho các hộ còn lại. Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP thì thừa nhận có nhiều dự án quy hoạch lớn, khó làm nhưng không thể bỏ được như Công viên Safari. “Chúng ta phải tách thành những gói nhỏ, thu hồi đất và làm từng giai đoạn để đảm bảo thực hiện được dự án”, ông Tuyến nói. Còn dự án như Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa vẫn trong quá trình tìm nhà đầu tư sau nhiều lần thay đổi, chưa phải đã được chốt.
Điều 64 Luật Đất đai 2013 có nội dung: Đất được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ.
Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng.
|