Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước tháng 4 đạt 160.200 tỷ đồng. Luỹ kế 4 tháng đầu năm, thu ngân sách ước đạt 645.300 tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021.
Trong đó thu nội địa 4 tháng đầu năm ước đạt 520.300 tỷ đồng (bằng 44,2% dự toán); thu tư dầu thô đạt gần 24.100 tỷ đồng (bằng đến 85,4% so với dự toán); thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 100.900 tỷ đồng (bằng 50,7% dự toán).
Trong chiều ngược lại, theo Bộ Tài chính tổng chi cân đối ngân sách nhà nước tháng 4 ước đạt 132.800 tỷ đồng. Luỹ kế chi 4 tháng đầu năm đạt 470.200 tỷ đồng (bằng 26,3% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021). Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 95.700 tỷ đồng; chi trả nợ lãi ước đạt 33.800 tỷ đồng; chi thường xuyên ước đạt 340.200 tỷ đồng.
Cũng theo Bộ Tài chính, ngân sách Trung ương đã chi từ dự phòng để bổ sung cho các địa phương 963,5 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 27,19 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.
Chứng khoán giảm gần 9% sau 4 tháng
Báo cáo từ Bộ Tài chính cũng cho biết, tính đến ngày 29/4/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.366,8 điểm, giảm 8,4% so với cuối tháng trước và giảm 8,8% so với cuối năm 2021.
Về mức vốn hóa, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 29/04/2022 đạt 7,166 triệu tỷ đồng (giảm 7,7% so với cuối năm 2021, tương đương 85,3% GDP).
Về quy mô giao dịch, trong tháng 4/2022, giá trị giao dịch bình quân đạt 26.299 tỷ đồng/phiên, giảm 19% so với tháng trước. Tính chung từ đầu năm tới nay, giá trị giao dịch bình quân đạt 29.924 tỷ đồng/phiên, tăng 12,5% so với bình quân năm trước.
Chứng khoán giảm gần 9% sau 4 tháng
Liên quan đến công tác quản lý giá, thị trường, tính từ đầu năm đến hết ngày 3/5/2022, Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã ban hành 10 văn bản điều hành giá xăng dầu trong nước. Trong đó, giá mặt hàng xăng tăng 7 lần, giảm 3 lần; giá mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa tăng 8 lần, giảm 2 lần, dầu mazut tăng 8, giảm 1 đợt, ổn định giá 1 đợt.