Sáng ngày 24/6, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chính thức công bố ngày niêm yết và giao dịch đầu tiên sản phẩm mới Covered Warrant (CW - Chứng quyền có bảo đảm) là vào 28/6.
Theo ông Sơn, các sản phẩm mới ra đời như CW nằm trong lộ trình phát triển thị trường chứng khoán đến 2020, tầm nhìn 2025. Sau CW, thị trường dự kiến sẽ có sản phẩm tiếp theo.
Đại diện Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết các sản phẩm mới như CW ra đời nằm trong lộ trình phát triển thị trường. Ảnh: Huy Lê.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán thuộc UBCKNN, cho biết việc lựa chọn các đơn vị phát hành cũng như các mã chứng khoán cơ sở (CKCS) được thực hiện rất khắt khe. Hiện có 16 công ty chứng khoán (CTCK) đủ điều kiện phát hành và 26 cổ phiếu đủ tiêu chí làm CKCS.
Ủy ban đã nhận được 16 bộ hồ sơ phát hành CW của 8 CTCK. Tổng số CW của 16 bộ hồ sơ là 28,9 triệu đơn vị, tương ứng với tổng giá trị tối đa 104 tỷ đồng. Trong đó, 10 bộ hồ sơ đầu tiên đã có báo cáo kết quả chào bán với khối lượng thành công 8,6 triệu CW, tương đương với tỷ lệ 39,37% tổng số chứng quyền được chào bán. Tổng giá trị phân phối đợt đầu là 15,1 tỷ đồng. Trong đó có 4 mã bán hết 100% nhưng cũng có sản phẩm không bán được chứng quyền nào.
Ông Hải cho rằng khối lượng chào bán được trong đợt này không quá quan trọng, có công ty chưa kịp điều chỉnh nên giá thực hiện khá cao.
Đối với thị trường chứng khoán nói chung, nhiệm vụ chính thời gian sắp tới là thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi. Ông Sơn cho biết bản dự thảo sẽ được thông qua vào tháng 10, UBCK đã chuẩn bị đầy đủ các văn bản đi kèm.
Lãnh đạo của UBCK cho biết tiến độ cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước đang diễn ra chậm. Ủy ban đã báo cáo lên Thủ tướng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các doanh nghiệp đã cổ phần hóa sớm lên sàn. Ngoài ra, Ủy ban cũng có biện pháp xử lý mạnh như không cho phép phát hành cổ phần trước lên sàn…
Thị trường chứng khoán cơ sở đầu năm nay có diễn biến tích cực hơn so với cuối 2018 khi tăng 6%, vốn hóa thị trường đạt 4,31 triệu tỷ đồng (khoảng 77,9% GDP). Thị trường phái sinh cũng tăng tốt với khối lượng giao dịch bình trên 106.000 hợp đồng/phiên, tăng 35% trong 2018.
Nhà đầu tư nước ngoài 6 tháng đầu năm mua ròng trên 10.000 tỷ đồng. Ông Sơn nhận định với yếu tố thế giới và đặc biệt vĩ mô như hiện nay thì TTCK sẽ phát triển tương đối khả quan vào 6 tháng cuối năm.