Mặc dù trên thực tế có không ít các chương trình kỷ niệm đã diễn ra, nhưng lại không phải để tung hô những thành quả mà hai nước có được, mà là để định hình và tìm lối thoát cho mối quan hệ song phương đang ngày càng căng thẳng trên nhiều lĩnh vực. Mối quan hệ ấy chỉ mới đón nhận tin vui về Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào những ngày cuối năm, khi thời hạn tăng thuế tiếp theo của Mỹ với Trung Quốc đến gần. Hơn 20 tháng ròng rã đàm phán rồi thất bại, trả đũa rồi lại đàm phán như những chỉ dấu báo hiệu quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất giới vẫn sẽ vô cùng khó khăn, phức tạp và thăng trầm trong thời gian tới.
Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại cam go vẫn ở phía trước
Thỏa thuận giai đoạn 1 dự kiến sẽ ký kết trong tháng 1/2020 giữa Bắc Kinh và Washington được cả hai bên đánh giá là tích cực khi đáp ứng được điều kiện tiên quyết của Trung Quốc là giảm thuế và giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump có thêm nhiều lá phiếu ủng hộ từ những người nông dân sau khi Trung Quốc cam kết tăng nhập khẩu nông sản.
Những cam kết lần này được nhận định là đã giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm. Trung Quốc buông “vũ khí” hạn chế nhập nông sản Mỹ, trong khi ông Trump ngừng đẩy cuộc chiến leo thang bằng việc không nâng thêm thuế. Hai bên cũng gần như đã đạt được thỏa thuận hoàn chỉnh về vấn đề tiền tệ và dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, chưa nói đến giai đoạn 2 của tiến trình đàm phán, chỉ riêng việc Trung Quốc liệu có thực hiện được lời hứa tăng gấp đôi lượng nông sản nhập khẩu của Mỹ hay không đã làm cho không ít người nghi ngại.
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Trung Quốc sẽ tăng lượng mua nông sản, hàng chế tạo và năng lượng của Mỹ khoảng 200 tỷ USD trong hai năm tới, để đổi lại việc Mỹ giảm một số loại thuế đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều đó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ phải nhập từ 40-50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ mỗi năm, tăng gấp đôi so với trước thương chiến. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Nông thôn Trung Quốc, từ 2015-2017, Bắc Kinh đã nhập khẩu trung bình 24,2 tỷ USD hàng nông sản Mỹ.
Đáng nói là, đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố số liệu nhập khẩu trong tương lai, mà chỉ nhấn mạnh đây là những mặt hàng mà nước này đang thiếu hụt. Trung Quốc cũng không nhắc tới một cơ chế giải quyết tranh chấp trong tuyên bố chính thức, nhằm đảm bảo thỏa thuận được thực thi hiệu quả như Mỹ đã làm.
Thỏa thuận giai đoạn 1 chưa đề cập tới những vấn đề mang tính kết cấu ẩn sâu trong nền kinh tế Trung Quốc, trong khi đó đây mới là những vấn đề gai góc nhất. Giai đoạn 2 sẽ đề cập tới những mâu thuẫn lớn nhất giữa 2 bên. Đó là việc giải quyết các cáo buộc của Mỹ về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ bắt buộc và trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc.
Đây là những vấn đề mà đối với ông Trump là buộc phải giải quyết và đó mới là thỏa thuận “toàn diện” mà ông Trump mong muốn. Nhưng đó lại là những vấn đề mà Trung Quốc luôn né tránh và được xem là lằn ranh đỏ trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.
Giáo sư Thời Ân Hoằng của Đại học Nhân dân Trung Quốc, một cố vấn của chính phủ nước này đánh giá: "Mỹ không đưa các vấn đề cải cách kết cấu vào trọng tâm đàm phán của thỏa thuận lần này, nên đã đạt được thỏa thuận. Nhưng Mỹ sẽ không từ bỏ yêu cầu này, đàm phán sau này sẽ rất khó khăn. Thỏa thuận này giúp giảm tốc độ và cấp độ cuộc chiến thuế quan, nhưng khó khăn lại đang ở tương lai".
Chiến lược "hai quỹ đạo song hành" trước "ngã tư lịch sử"
Phát biểu tại một sự kiện tại New York hồi tháng 9, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải từng nhấn mạnh, quan hệ Trung - Mỹ lại một lần nữa đứng trước ngã tư lịch sử và đối diện với việc liệu sẽ đi về đâu.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Nghị cũng nhiều lần nhắc đến điều này. Trong một bài diễn thuyết tại Hội thảo về tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc 2019 tổ chức vào đúng ngày Trung-Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại, ông đã hối thúc Mỹ nhanh chóng "bình tĩnh trở lại", tạo dựng một "quan điểm về Trung Quốc" lý tính và một "thế giới quan" đúng đắn. Ông chỉ trích Mỹ đã "gây tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin mà hai nước phải rất khó khăn mới đạt được" và yêu cầu Mỹ nhanh chóng quay trở lại quỹ đạo đúng đắn trong chính sách với Trung Quốc.
Điều mà ông Vương Nghị nhắc tới "gây tổn hại nghiêm trọng tới lòng tin" giữa hai nước, chính là những vấn đề như Hong Kong , Tân Cương, bởi Bắc Kinh luôn coi đó là công việc nội bộ, không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào can thiệp.
Phát ngôn của Ngoại trưởng Trung Quốc vào đúng thời điểm hai bên tuyên bố đạt Thỏa thuận thương mại đang phản ánh cách tiếp cận hiện nay của Trung Quốc trong xử lý quan hệ với Mỹ: áp dụng cơ chế "hai quỹ đạo song hành".
Khi Mỹ chuẩn bị thông qua Dự luật về Hong Kong, Phó giáo sư Thành Hiểu Hà thuộc Học viện quan hệ quốc tế của Đại học Nhân dân Trung Quốc đã nhận định: "Cạnh trạnh trong đàm phán thương mại và vấn đề Hong Kong đang diễn ra song song, đàm phán sẽ không vì vấn đề Hong Kong mà đổ vỡ. Nếu chỉ vì bày tỏ sự phản đối mà từ chối đàm phán, thì đó là cách làm thật ấu trĩ và đơn giản hóa.... Giảm được tổn thất đến đâu thì phải giảm tới đó, đây mới là cách làm thiết thực nhất đối với Trung Quốc".
Ông Chu Phong, Viện trưởng Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế của Đại học Nam Kinh cũng có chung nhận định: "Đàm phán thương mại ảnh hưởng lớn tới kinh tế toàn cầu, nếu đơn giản là gắn nó với vấn đề Hong Kong, thì quả là không lý trí chút nào".
"Bóng" liệu có sang chân Trung Quốc?
Có một số phân tích cho rằng, Tổng thống Trump đã châm ngòi nổ thương chiến với hai mục đích chính là cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với thế giới, đặc biệt là Trung Quốc và buộc các chuỗi cung ứng và sản xuất phải rời bỏ Trung Quốc nhằm làm suy yếu sức mạnh kinh tế dài hạn của nước này. Chính quyền ông Trump có vẻ đã giành chiến thắng trong thương chiến giai đoạn một, bởi thực tế đã có một cuộc tháo chạy của các nhà máy sản xuất khỏi Trung Quốc để né các đòn thuế của Mỹ.
Tuy nhiên, khi hai bên bước sang giai đoạn tiếp theo của cuộc xung đột thương mại - thương chiến giai đoạn hai, Mỹ và Trung Quốc được cho đã hoán đổi quan điểm đàm phán cho nhau, bởi các lãnh đạo Trung Quốc dường như đã có chiến lược rõ ràng.
Bắc Kinh đã giảm thuế nhập khẩu đối với Liên minh châu Âu và các đối tác thương mại khác. Họ cũng áp dụng các chính sách khuyến khích tài chính và tiền tệ nhằm bù đắp lực cản mà thương chiến đang gây ra với sự tăng trưởng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã dành một phần GDP với tỉ lệ tương đương Mỹ để đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm đạt được những đột phá về công nghệ, kỹ thuật phục vụ phát triển đất nước.
Liệu căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ kéo dài 20 năm như lời dự đoán của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma, hay được giải quyết theo chiều hướng tích cực và sớm kết thúc? Liệu có quá muộn đối với Mỹ trong việc ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc khi GDP của nước này đã bằng 66% của Mỹ? Liệu hai bên có xảy ra xung đột, để rồi kết quả "còn tệ hơn cả hai cuộc Thế chiến đã tàn phá nền văn minh châu Âu" như lời cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger? Kết quả phụ thuộc vào cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh và Washington. Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ vô cùng khốc liệt.