Lúa gạo là mặt hàng chủ lực tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Trong ảnh: Thu hoạch lúa ở TP Cần Thơ.
Sau khi có văn bản đề nghị báo cáo tình hình khai hải quan và các tồn đọng hiện nay đối với hạn ngạch xuất khẩu (XK) 400.000 tấn tạo trong tháng 4/2020, đã có 41 hội viên VFA tham gia báo cáo.
Trước đó, VFA đã đề nghị hủy toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container và số seal, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa.
Những việc khó hiểu, khiến doanh nghiệp "hết hồn"
Theo phản ánh của các thương nhân, việc đăng ký tờ khai đã bất ngờ được triển khai lúc 0 giờ ngày Chủ nhật (12/4) mà không có một thông tin chính thức nào trước đó từ các bên có trách nhiệm liên quan về thời gian mở hệ thống cũng như không có một nhân sự nào của Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan địa phương, Chi cục Hải quan cửa khẩu tiếp nhận hay trực hệ thống ngay thời điểm nhạy cảm này.
Các thương nhân hoàn toàn bị động. Nhiều doanh nghiệp (DN) không biết thông tin, hoặc ngủ quên nên mất cơ hội.
Về các bất cập, trước hết, một số thương nhân đã gặp phải tình huống sau: Các tờ khai đăng ký hải quan kể từ thời điểm 0h ngày 11/4 đã có sổ tờ khai và đã phân vào luồng đỏ, nhưng đến ngày 13/4, sau khi tải kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, lại thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về thời điểm 10/4.
VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân như vậy và các thương nhân hiện vẫn chưa tìm được câu trả lời cho tình huống này.
Thậm chí, có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có sổ tự khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, đến thời điểm sáng 14/4 lại bị mạng hải quan xóa bỏ khi chưa đủ 15 ngày theo quy định.
Ngoài ra còn có tình trạng sau: Trong số các thương nhân truyền được tờ khai rạng sáng 12/4, có không ít thương nhân chưa tập kết hàng ở cảng thời điểm đó hoặc tập kết chưa đủ mà chỉ truyền tờ khai để giữ chỗ.
Trong khi đó, có rất nhiều thương nhân đã tập kết hàng hóa sẵn sàng (nghĩa là đảm bảo đầy đủ điều kiện để đăng ký tờ khai chờ thông quan) ở cảng chờ xếp tàu, đóng container, thậm chí có lô hàng đã đóng container trước ngày 24/3, tính đến nay đã hơn 20 ngày lưu container lưu bãi mà vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan…
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) cho rằng, cách mở hệ thống điện tử khai hải quan “lúc nửa đêm” là thiếu minh bạch và ông đã có đơn khẩn cứu lên Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương về vấn đề trên.
Hiện tại, có cả trăm nghìn tấn gạo của các DN đã nằm tại cảng đang chờ thông quan. Danh sách, số container của các DN, cảng, Bộ Công Thương đều nắm rất rõ. Lẽ ra, nếu Hải quan mở tờ khai, việc đầu tiên phải cho các lô gạo của DN đã và đang khai dở thủ tục xuất khẩu, sau đó mới cho khai mới.
“Việc chỉ mở cửa từ 0 giờ đến 3 giờ sáng 12/4, nhiều lãnh đạo DN đến 5-6 giờ dậy đọc tin đó mà hết hồn”, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Tập đoàn Tân Long - T&T Group cho biết.
Theo ông Trung, cách điều hành “lạ lùng” trên đã gây tổn hại cho dân nghèo trồng lúa và nhiều DN xuất khẩu gạo. Hiện Tân Long - T&T Group có gần 6.900 tấn đã đóng vào container, bị kẹt do lệnh tạm dừng xuất khẩu ngày 24/3, nay chỉ chờ khai báo thực tế để xuất, nhưng giờ lại tiếp tục bị ứ lại.
Giải toả lượng gạo tồn kho, kiến nghị không giới hạn gạo nếp xuất khẩu
Báo cáo của VFA cho biết, hàng hóa sẵn sàng với số lượng lớn tại bãi chờ xuất của các cảng đã khá lâu, mỗi ngày các thương nhân phải chịu phí lưu bãi, lưu container, chi phí vận chuyển container hàng hóa từ kho lên cảng; chi phí nâng hạ, đảo chuyển, sản xuất, bao bì, giám định, khử trùng, kiểm dịch; rồi lãi suất ngân hàng, bị phạt bồi thường hợp đồng, chi phí nhân công tại các cảng ngày càng đắt đỏ…
Mặc dù đã cử nhân viên túc trực cả ngày cuối tuần sau khi Thủ tướng cho nối lại xuất khẩu 400.000 tấn gạo, song nhiều doanh nghiệp vẫn thất vọng vì không mở được tờ khai hải quan "lúc nửa đêm" ngày 12/4. Ảnh minh hoạ: IT
Do đó, nếu các lô hàng trên không được thông quan và XK, các thương nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề lên đến hàng tỷ đồng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sự sống còn của các thương nhân, thậm chí là ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội.
Hơn nữa, đối với những lô hàng giá trị lớn đã sẵn sàng tại các cảng, thương nhân không giao hàng kịp thời, dĩ nhiên sẽ phải đền bù hợp đồng cho khách hàng nước ngoài và đây là một khoản thiệt hại nặng nề nằm cả ngoài những trường hợp bất khả kháng.
Do đó, các thương nhân kiến nghị: Trước hết, giải tỏa toàn bộ lượng gạo hàng hóa đã sẵn sàng tại các cảng. Cụ thể, tạo điều kiện cho các thương nhân khai tiếp những đơn hàng còn đang khai dở dang và cho thông quan hết toàn bộ số lượng gạo hàng hóa đã nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể (số lượng thực tế ước không vượt quá 300.000 tấn).
Cho phép XK lại gạo nếp (mã HS 1006.30) và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn sản lượng do thực tế phân khúc này hoàn toàn không ảnh hưởng đến cân đối cung cầu lương thực trong nước.
Ngoài các doanh nghiệp ngành gạo, mới đây Sở Công Thương tỉnh Long An cũng đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét việc đề xuất của UBND tỉnh Long An về kiến nghị cho cơ chế xuất khẩu lại gạo nếp mã HS 1006.30 không giới hạn sản lượng, vì gạo nếp không phải mặt hàng tiêu dùng hàng ngày, trong khi tiêu dùng trong nước cũng rất ít, tồn kho đang lên tới hơn 55.000 tấn.
Ông Nguyễn Quang Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Dương Vũ cho biết, thông quan lúc 12 giờ đêm, mà trong ngày Chủ nhật nên không ai biết được thông tin.
14 năm nay, công ty luôn luôn giải quyết công ăn việc làm cho 400 cán bộ, công nhân viên thường xuyên. Mỗi năm, công ty tiêu thụ khoảng 200.000 tấn nếp cho nông dân Long An.
Hiện công ty còn tồn đọng khoảng 30.000 tấn gạo nếp; trong đó có khoảng 13.000 tấn đã đóng vào container, hoàn tất các động tác kỹ thuật để xuống tàu giao cho khách hàng.
“Nông dân trồng nếp xuất khẩu, không thể bán trong nước được. Không thông quan được, ngoài việc bồi thường hợp đồng sản phẩm, công ty không biết giải quyết thế nào? Chúng tôi mong các cấp chính quyền quan tâm, kiến nghị giúp doanh nghiệp tiêu thụ lượng hàng tồn kho”, ông Nguyễn Quang Hòa, cho biết thêm.
Qua thống kê, toàn tỉnh Long An chỉ có 7/24 DN xuất khẩu gạo đã khai báo hải quan trong ngày 12/4 với tổng sản lượng 8.500 tấn; Cần Thơ có 4 DN đăng ký được, tổng sản lượng khoảng 33.000 tấn... DN “trúng” số lượng lớn nhất là Công ty CP Tập đoàn Intimex (quận 1, TP.HCM) với trên 96.200 tấn. Một số DN khác cũng đăng ký thành công số lượng lớn như Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), được 38.350 tấn, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang gần 35.700 tấn, Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thành Tín gần 25.400 tấn, Công ty CP Thương mại Kiên Giang trên 24.400 tấn… Các đơn vị khác như Công ty CP Quốc Tế Gia, Công ty CP TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH MTV XNK Lương thực Ngọc Lợi, Công ty CP Hiệp Lợi, Công ty TNHH Phát Tài, Công ty CP Lương thực Bình Định, Công ty CP Mỹ Trường…, số lượng đăng ký được từ 11.000-17.000 tấn… |