Theo Cục Xuất nhập khẩu ( Bộ Công Thương ), đến nay đã có thêm 42 thương nhân được cấp phép xuất khẩu gạo sau khi Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo có hiệu lực.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu, Nghị định 107/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo mới được Chính phủ ban hành vào tháng Tám vừa qua được kỳ vọng sẽ gỡ vướng và tạo môi trường thông thoáng nhất cho doanh nghiệp ngành gạo phát triển.
Nhận định về vấn đề này, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh đây là một bước đột phá trong thể chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo của doanh nghiệp và quan trọng hơn là Nghị định đã tạo ra sự thay đổi lớn về tư duy xuất khẩu.
Ông Trần Thanh Hải cho rằng với Nghị định 107/2018/NĐ-CP, các doanh nghiệp đầu mối được xuất khẩu gạo và điều kiện trở thành doanh nghiệp đầu mối được nới lỏng rất rõ.
Cùng với đó, các điều kiện yêu cầu phải sở hữu cơ sở xay xát, kho bãi được xóa bỏ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không cần phải đứng tên sở hữu các cơ sở này mà có thể đi thuê. Điều này giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nguồn lực cũng như tận dụng các cơ sở dư thừa của các doanh nghiệp khác, tiết kiệm chi phí...
Ngoài ra, Nghị định cũng giúp bãi bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo theo kiến nghị trước đó của doanh nghiệp vì sợ lộ các bí quyết kinh doanh.
Chính vì vậy, quy định mới đã cho phép một số thương nhân không cần giấy phép kinh doanh xuất khẩu gạo vẫn có thể xuất khẩu khi tập trung các sản phẩm gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo bổ sung vi chất... Đây là điều rất có ý nghĩa đối với doanh nghiệp ngành gạo bởi các doanh nghiệp nhỏ chưa đủ điều kiện để xuất khẩu các loại gạo thông thường nhưng nếu tập trung vào những sản phẩm gạo đặc trưng, đặc thù thì vẫn có cơ hội vươn ra thị trường thế giới.