Theo báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc tính đến 9h sáng 11/2 (giờ Trung Quốc), đã có tới 43.098 ca nhiễm virus corona và 1.018 ca tử vong được báo cáo trên toàn cầu. So với đại dịch SARS năm 2003, số người tử vong vì virus corona đã vượt xa.
Riêng tại Trung Quốc đại lục, số ca nhiễm virus corona đã tăng 2.478 trường hợp so với 1 ngày trước đó lên 42.638 trường hợp. 1.552/2.478 ca nhiễm nói trên nằm ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, cũng là nơi ca nhiễm virus corona đầu tiên được báo cáo.
Số ca tử vong trên cả nước tăng 108 trường hợp lên 1.016 ca, trong đó 103 ca tử vong nằm ở tỉnh Hồ Bắc - tâm chấn của dịch bệnh và chỉ có 5 ca nằm ở các tỉnh lân cận.
Như vậy, chỉ tính tại tỉnh Hồ Bắc, đến sáng 11/2, đã có 31.728 ca nhiễm virus Corona và 974 ca tử vong được báo cáo.
Tại Việt Nam, số ca dương tính với corona tăng thêm 1 người lên 15 người. Bệnh nhân thứ 15 là một bệnh nhi 3 tháng tuổi, sinh sống tại Vĩnh Phúc và lây nhiễm từ bà ngoại.
Liên quan đến dịch cúm corona, trong báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố, Trung tâm phân tích và tư vấn của SSI (SSI Research) cho biết dịch nCoV vẫn tiếp tục hoành hành với tổng số người tử vong vượt qua số người thiệt mạng trong đại dịch SARS. Vì vậy, tâm lý thị trường nhìn chung rất thận trọng và xoay quanh tâm điểm là diễn biến dịch bệnh.
Tuy vậy, SSI cho rằng, các nỗ lực từ chính quyền Trung Quốc cũng hỗ trợ các thị trường hồi phục phần nào trong tuần qua. Trong tuần, PBoC đã bơm 1,2 tỷ CNY (tương đương 174 tỷ USD) qua giao dịch mua kỳ hạn (OMO) trên thị trường mở; hạ lãi suất OMO 10bps ở cả kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, xuống tương ứng là 2,4% và 2,55%/năm.
Tiếp đó, phía Trung Quốc cũng tuyên bố cắt giảm một nửa thuế đánh lên 75 tỷ hàng hóa Mỹ từ ngày 14/2/2020. CNY mở đầu tuần giảm tới 1,6% nhưng đã hồi phục dần sau đó, chốt tuần ở mức 7.0025CNY/USD – mất giá 1,33% so với tuần trước.
Động thái cắt giảm thuế của Trung Quốc và những thông tin tích cực của nền kinh tế Mỹ cũng là lực đẩy cho USD tăng giá khá mạnh.
Chỉ số PMI phi sản xuất tháng 1 của Mỹ tăng từ 54,9 lên 55,5, các số liệu việc làm tốt hơn kỳ vọng. Chỉ số DXY tăng liên tục lên mức 98,68, hầu hết các đồng tiền đều giảm giá khá mạnh so với USD ngoại trừ đồng tiền một số nước vốn chịu ảnh hưởng lớn của thương chiến Mỹ - Trung như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ. So với tuần trước, GBP và EUR giảm lần lượt tới 2,36% và 1,33% so với USD do hai bên đều đang tỏ ra rất cứng rắn trong đàm phán hậu Brexit.
Tại thị trường trong nước, do chịu áp lực của diễn biến quốc tế, tỷ giá USD/VND cũng nhích tăng 40 đ/USD trên ngân hàng, lên mức 23.140/23.310, tỷ giá trung tâm tăng 5 đ/USD, lên mức 23.201 đ/USD. Tỷ giá tự do có bước điều chỉnh giảm 10 đ/USD chiều mua vào và tăng 10đ/USD chiều bán ra, ở mức 23.190/23.210 đ/USD.
Sang phiên đầu tuần này là ngày 10/2 giá USD trong nước tiếp tục tăng khi tỷ giá trung tâm tăng 10 đồng còn tỷ giá ở các ngân hàng thương mại tăng 15 - 25 đồng, ngoài thị trường tự do tăng 10 đồng so với chốt tuần trước. Đến hôm nay 11/2 tỷ giá trung tâm tăng tiếp thêm 6 đồng nữa lên 23.211 đồng/USD.
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm mạnh trong quý 1/2020 do ảnh hưởng của dịch corona. Trong tháng 1/2020, kim ngạch xuất nhập khẩu đã giảm 11,3% so với cùng kỳ do Tết nguyên đán đến sớm. Cán cân thương mại thâm hụt 100 triệu USD trong khi 4 năm liền trước đều ghi nhận thặng dư.
Dòng vốn FDI tương đối khả quan, vốn giải ngân trong tháng đạt 1,6 tỷ USD, tương đương cùng kỳ 2019. Vốn FDI đăng ký tháng 1/2020 đạt 5,33 tỷ USD, cao gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2019. Việc NHNN mua liên tục ngoại tệ từ đầu 2019 đến nay đã gia tăng dự trữ ngoại hối, củng cố bộ đệm để ứng phó với các biến động.
Kết hợp những yếu tố kinh tế vĩ mô nói trên và bối cảnh dịch bệnh hiện nay, SSI Research dự báo tỷ giá giao dịch trên ngân hàng có thể sẽ dao động lớn hơn nhưng nếu có tăng thì mức tăng sẽ không nhiều, xoay quanh mức 23.175 đ/USD – là tỷ giá mua vào của NHNN và vẫn cách khá xa đỉnh ghi nhận trong 2019, trừ khi có những diễn biến trầm trọng hơn của dịch bệnh.
Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB cũng chỉ ra rằng, tỷ giá đã tăng hơn 100 đồng lên quanh mức 23.300 đồng/USD trong thời gian gần đây do dịch cúm corona khiến đồng USD mạnh lên tạm thời khi nhà đầu tư tìm đến các kênh trú ẩn an toàn.
Đồng thời, động thái hỗ trợ thị trường của NHTW Trung Quốc (bằng việc bơm ròng 600 tỷ NDT (86 tỷ USD) trong hai ngày 3 và 4 tháng 2, hạ lãi suất repo và lãi suất cho vay 10 điểm cơ bản trước rủi ro dịch corona gây bất ổn cho hệ thống tài chính và nền kinh tế vốn đang đối diện nhiều khó khăn của nước này. Chính sách nới lỏng của PBOC, thâm hụt tài khoản vãng lai và triển vọng tăng trưởng suy giảm sẽ góp phần làm suy yếu đồng nhân dân tệ qua mốc 7 tệ đổi 1 USD.
Trước tác động lên tiền tệ của 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam cùng với áp lực lạm phát gia tăng từ cuối Quý IV/2019, áp lực trong ngắn hạn lên VND cao hơn. Tuy nhiên, theo MBS với sức khoẻ nền kinh tế ở trạng thái tốt, cán cân vãng lai thặng dư lớn và dòng vốn đầu tư tiếp tục chảy vào Việt Nam, tỷ giá VND/USD trong năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì mức biến động thấp trong biên độ từ 1-2%.