Với tốc độ tăng trưởng xây dựng nhanh thứ tư ở Đông Á, 45% người Việt Nam dự kiến sẽ sống trong các thành phố vào năm 2030. Các tòa nhà sử dụng hơn 30% tổng năng lượng tiêu thụ của cả nước. Hơn nữa, với đường bờ biển dài và thấp, Việt Nam hiện là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh đó, các công trình xanh có thể đóng vai trò là giải pháp bền vững để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng ngày càng tăng, đồng thời gia tăng khả năng chống đỡ trước các tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất đối với việc nhân rộng các công trình xanh ở các nước đang phát triển là việc thiếu hụt đội ngũ chuyên gia lành nghề. Do đó, Công ty tài chính thế giới (IFC), thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, đã ký thỏa thuận hợp tác với Đại học Kiến trúc Hà Nội và Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực đào tạo và xây dựng đội ngũ kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng, qua đó giúp thúc đẩy việc triển khai công trình xanh tại Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, IFC sẽ phối hợp với hai trường đại học kiến trúc phát triển một khóa học về công trình xanh dành cho sinh viên dựa trên khóa học Thiết kế nâng cao hiệu quả công trình của IFC.
Ông Nguyễn Công Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, cho biết: “Mặc dù đã có không ít hội thảo về chủ đề này, hiện tại vẫn thiếu các khóa học bài bản và toàn diện về công trình xanh cho sinh viên tại Việt Nam. Với sự hỗ trợ của IFC sẽ có hơn 200 kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng trẻ dưới sự hướng dẫn của các giáo sư từ nhiều trường đại học trên khắp thế giới như Indonesia, Philippines và Úc sẽ giúp thiết kế nâng cao hiệu quả công trình, nâng cao hiệu quả tài nguyên”.
Còn ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho rằng thị trường công trình xanh sẽ đạt tới 3.400 tỷ USD vào năm 2025 trong bối cảnh các nước đang phát triển đẩy mạnh quá trình đô thị hóa. Việt Nam sẽ cần thêm các chuyên gia lành nghề, những người có thể đưa ra những giải pháp thiết kế tốt hơn.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sỹ, IFC đã hỗ trợ Bộ Xây dựng hoàn thiện và triển khai Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Các Công trình Xây dựng Sử dụng Năng lượng Hiệu quả, thúc đẩy việc áp dụng hệ thống chứng chỉ EDGE – một chứng chỉ công trình xanh tự nguyện cho các công trình xây dựng trong suốt 6 năm qua.