Tại buổi làm việc với ông Ted A. Mc Kinney, Thứ trưởng phụ trách Thương mại và Đối ngoại, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Đại sứ Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ (USTR) phụ trách nông nghiệp Grg Doud, ngày 24/2 tại WashingtonDC, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã cấp phép cho 460 doanh nghiệp sản xuất thịt và sản phẩm thịt và 210 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu thủy sản sang Việt Nam.
Cùng với đó, Việt Nam cũng đã cho phép Mỹ xuất khẩu 6 loại quả tươi (bao gồm anh đào, lê, nho, táo, blueberry và cam) sang Việt Nam và đang tiếp tục xem xét, đánh giá rủi ro về kiểm dịch thực vật, an toàn sinh học với quả bưởi, xuân đào, mơ và mận của Hoa Kỳ để sớm cấp phép nhập khẩu vào Việt Nam.
Thịt lợn, thịt bò của Mỹ được bán khá phổ biến tại thị trường trong nước.
Theo thông báo từ ngày 2 đến ngày 13/3, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) sẽ cử đoàn sang Việt Nam tiến hành đánh giá giám sát định kỳ đối với "Chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm cá và các sản phẩm cá bộ Siluriformes xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ". Việt Nam cam kết hợp tác và luôn đảm bảo cá tra sản xuất và xuất khẩu sang Hoa Kỳ luôn có chất lượng cao, an toàn thực phẩm và giá cả hợp lý. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị Cục kiểm định Y tế động vật (APHIS) Hoa Kỳ nhanh chóng công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và Công ty TNHH Chiếu xạ Toàn Phát được tham gia chương trình chiếu xạ quả tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam giảm bớt chi phí vận chuyển quả tươi vào miền Nam để chiếu xạ; đồng thời cho phép bổ sung biện pháp xử lý hơi nước nóng (VHT) đối với mặt hàng quả tươi xuất khẩu sang Hoa Kỳ (bên cạnh biện pháp chiếu xạ) và hoàn tất các quy trình, thủ tục đánh giá rủi ro để quả bưởi của Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị USDA tiếp tục hỗ trợ NN&PTNT tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về Chương trình thanh tra cá da trơn; đào tạo về phương pháp kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học trong thủy sản của USDA; đồng thời xem xét và đàm phán ký kết một thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam, tạo điều kiện để 2 nước dành ưu đãi cho các nhà đầu tư và kinh doanh trong nông nghiệp nói riêng và toàn bộ ngành kinh tế nói chung.