48 giờ thượng đỉnh Hà Nội: Chờ Mỹ-Triều đột phá!

25/02/2019 09:57
Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai là sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Mỹ-Triều, cũng như đối với lịch sử “sóng gió” của bán đảo Triều Tiên.

Sau khi Thế chiến thứ II kết thúc vào năm 1945 cùng với sự thất bại của phe phát xít, bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi sự chiếm đóng của Nhật và bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 38 làm ranh giới, theo hiệp định giữa các cường quốc đồng minh thắng trận. Mỹ quản lý phần lãnh thổ phía Nam bán đảo và Liên Xô quản lý phần phía Bắc còn lại.

Sự phân chia này ban đầu chỉ được dự tính như là một tình thế tạm thời cho đến khi một chính quyền thống nhất được thành lập. Tuy nhiên, sự đối đầu về ý thức hệ giữa hai cường quốc đang chiếm đóng đã dẫn tới sự hình thành hai chính quyền tách biệt ở hai miền. Đó chính là Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) và Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên.

Căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên trong giai đoạn này không ngừng dâng cao với liên tiếp các vụ xung đột quân sự xảy ra ở vĩ tuyến 38. Đỉnh điểm là cuộc chiến tranh Triều Tiên nổ ra vào năm 1950 và tạm dừng bằng hiệp định đình chiến giữa hai miền Triều Tiên ở Bàn Môn Điếm vào năm 1953, từ đó khu phi quân sự dọc vĩ tuyến 38 được hình thành.

Gần bảy thập niên thăng trầm

Vào cuối thập niên 1960, nhằm thu thập tin tức tình báo về tàu ngầm của Triều Tiên, cũng như các tàu ngầm tối tân của Liên Xô được cho là đang hoạt động trong khu vực, hải quân Mỹ gửi đi tàu USS Pueblo đến gần vùng biển Triều Tiên để do thám. Không may, con tàu bị Triều Tiên phát hiện vào đầu năm 1968, toàn bộ thủy thủ đoàn bị bắt giữ.

Năm 1988, sự kiện máy bay số hiệu 858 của Hàn Quốc bị đánh bom khiến 115 người thiệt mạng càng “châm dầu vào lửa” mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Mỹ xếp Triều Tiên vào danh sách đen những nước tài trợ cho khủng bố.

Một trong những vấn đề được nhắc đến thường xuyên và dai dẳng nhất trong mối quan hệ Mỹ-Triều là chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Năm 1985, Triều Tiên tham gia Hiệp ước không phổ biến hạt nhân (NPT), liền sau đó là tuyên bố phi hạt nhân hóa năm 1992 giữa hai miền được thông qua. Tuy nhiên, đầu năm 1993 Mỹ cho công bố những hình ảnh nghi là cơ sở hạt nhân ở Triều Tiên và khi Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) yêu cầu thanh tra Triều Tiên, nước này đã từ chối và dọa rút khỏi hiệp ước.

Tháng 6-1993, Mỹ và Triều Tiên bắt đầu những đàm phán về vấn đề hạt nhân nhưng đều không đạt được kết quả. Lầu Năm Góc thời điểm đó đã bắt đầu lên kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên và tiến hành diễn tập quy mô lớn với Hàn Quốc. Phía Triều Tiên cũng cho biết họ đã sẵn sàng chiến tranh.

Giữa tình trạng căng thẳng đó, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter bất ngờ đề nghị tổng thống đương nhiệm Bill Clinton cho mình đến Triều Tiên để tìm cách phá vỡ bế tắc vào tháng 6-1994. Chuyến đi của ông đã thành công, ngăn được một cuộc chiến nguy hiểm.

Cũng trong năm 1994, Mỹ, Triều đạt được thỏa thuận khung. Triều Tiên nhất trí đóng băng và cuối cùng sẽ tháo bỏ các cơ sở hạt nhân để đổi lại bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Triều Tiên cũng sẽ nhận dầu và được hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện sử dụng lò phản ứng nước nhẹ với mục đích tránh để hạt nhân bị vũ trang hóa. Quan hệ Mỹ-Triều được cải thiện với các chuyến thăm qua lại, điển hình như phó nguyên soái Jo Myong-rok tới Mỹ và ngay sau đó Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright tới Triều Tiên vào năm 2000.

Tuy nhiên, quan hệ Mỹ-Triều tiếp tục lao dốc dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush (Tổng thống Bush “con”). Trong cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc tại Washington vào tháng 3-2001, ông Bush cho biết Mỹ đang xem xét lại mối quan hệ với Triều Tiên vì cho rằng Triều Tiên là mối đe dọa thật sự, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm Bill Clinton đã “vội vã và thái quá” trong việc cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng.

Triều Tiên sau đó cùng với Iran, Iraq bị chính quyền Tổng thống Bush xếp vào “trục ma quỷ” với cáo buộc hỗ trợ khủng bố và tàng trữ vũ khí hủy diệt hàng loạt. Ngược lại, Triều Tiên chỉ trích Tổng thống Bush là độc tài. Năm 2006, Triều Tiên lần đầu tiên thử hạt nhân. Đến năm 2009, Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ hai, vấp phải sự chỉ trích nặng nề, cấm vận từ phía Mỹ và Liên Hiệp Quốc.

48 giờ thượng đỉnh Hà Nội: Chờ Mỹ-Triều đột phá! - Ảnh 1.

Ông Trump (phải) sẽ có cuộc gặp quan trọng với ông Kim Jong-un vào tuần này tại Hà Nội. Ảnh: AFP

24 giờ biểu tượng ở Singapore

Khi ông Kim Jong-un chính thức lãnh đạo Triều Tiên năm 2011, Bình Nhưỡng theo đuổi mạnh mẽ chính sách hạt nhân. Năm 2017, cả thế giới “nín thở” trước những màn đáp trả qua lại giữa lãnh đạo hai nước Mỹ, Triều, lo sợ viễn cảnh chiến tranh hạt nhân nổ ra trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu với tầm bắn có khả năng vươn tới Mỹ.

Trong cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau đợt thử tên lửa của Triều Tiên, Tổng thống Trump đe dọa “hủy diệt hoàn toàn” Triều Tiên nếu nước này vẫn tiếp tục có những động thái gây lo ngại về an ninh khu vực. Quan hệ Mỹ-Triều tưởng chừng đi vào giai đoạn bế tắc, đứng trước viễn cảnh phải dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Vào đầu năm 2018, cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên bất ngờ thay đổi thái độ từ thù địch sang bày tỏ thiện chí đối thoại và hợp tác. Ông Kim đồng ý thương thuyết với ông Trump và cam kết từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, hướng tới hòa bình. Tháng 3-2018, Triều Tiên gửi lời mời ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Tổng thống Mỹ nhanh chóng nhận lời và cuộc gặp được tổ chức vào ba tháng sau đó tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp một lãnh đạo Triều Tiên. Hai nhà lãnh đạo tươi cười bắt tay nhau trên thảm đỏ - cú bắt tay “lịch sử” kéo dài 12 giây. Ông Trump nói cả hai phía đã “xây dựng được một liên kết đặc biệt”, trong khi ông Kim cho biết hai nước đã sẵn sàng “bỏ lại quá khứ phía sau”.

Cuộc gặp đã mở ra bốn trụ cột trong các chương trình đàm phán hai nước, bao gồm (i) thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên; (ii) xây dựng cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên; (iii) phi hạt nhân hóa - phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên ; (iv) tìm hài cốt quân nhân hy sinh và mất tích trong chiến tranh Triều Tiên.

Giới quan sát đánh giá thượng đỉnh lần đầu chủ yếu mang tính chất biểu tượng và định hướng, trong khi các cơ chế và giải pháp thực thi cam kết của Mỹ, Triều dường như vẫn mơ hồ. Điển hình là khái niệm “phi hạt nhân hóa”. Mỹ tuyên bố Triều Tiên phải “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”; trong khi Bình Nhưỡng thường xuyên tránh né việc biểu hiện một cam kết cụ thể.

48 giờ kỳ vọng ở Hà Nội

Trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai, các quan chức hai nước đã cố gắng làm việc để thu hẹp các vấn đề mâu thuẫn mà hai bên muốn tập trung giải quyết. Thượng đỉnh lần thứ hai có những điểm đáng lưu ý. Một là được diễn ra tại Hà Nội, nơi sẽ mang lại rất nhiều thông điệp hòa bình, hàm ý ngoại giao của cả Mỹ và Triều Tiên. Washington mong muốn mô hình phát triển kinh tế, vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế của Việt Nam và mối quan hệ tốt đẹp của Mỹ-Việt Nam sẽ là gợi ý khả dĩ cho Bình Nhưỡng. Phía Triều Tiên cũng bày tỏ thiện chí trong việc tiếp cận một mô hình đổi mới theo kiểu Việt Nam được thực hiện phù hợp với đặc thù Triều Tiên.

Thứ hai, thượng đỉnh lần thứ hai kéo dài gấp đôi so với lần ở Singapore. Điều đó cho thấy hai nhà lãnh đạo đang nỗ lực đầu tư thêm thời gian và kèm theo đó chắc chắn sẽ là kỳ vọng về những thành quả cụ thể.

Mỹ, Triều có thể tuyên bố hòa bình tại bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên và thậm chí là Nhật Bản, Trung Quốc đang trông chờ một hiệp ước hòa bình thay thế hiệp ước đình chiến kéo dài từ năm 1953. Đây sẽ là một “liều thuốc” tinh thần quan trọng, làm nền tảng xây dựng niềm tin cho các chương trình đàm phán trong dài hạn. Ngoài ra, Bình Nhưỡng có thể tập trung vào trụ cột thứ tư - tìm kiếm hài cốt binh sĩ Mỹ tại Triều Tiên; trong khi Mỹ sẽ tìm giải pháp, lộ trình cũng như đưa ra các điều kiện nhằm từng bước cởi trói cấm vận kinh tế Triều Tiên.

Vấn đề hạt nhân có lẽ là trụ cột quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Triều. Hôm 19-2 (giờ Mỹ), phát biểu trước giới báo chí tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết muốn nhìn thấy Triều Tiên cuối cùng sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng lưu ý rằng ông “không vội vàng chút nào” trong chuyện này.

Trong khi đó, nhật báo The Wall Street Journal (Mỹ) dẫn lời ông Andrew Kim, cựu quan chức Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) liên quan đến vấn đề ngoại giao cấp cao về chuyện hạt nhân Triều Tiên ngày 23-2, cho biết ông Kim Jong-un từng nói với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vào tháng 4-2018 rằng ông “không muốn con mình phải sống với gánh nặng của vũ khí hạt nhân”.

Giới quan sát đều cho rằng Triền Tiên sẽ không từ bỏ hạt nhân, thậm chí phát triển hạt nhân thành một trụ cột chủ lực bên cạnh hai trụ cột khác là mở rộng quan hệ ngoại giao và cải cách phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả khi triển vọng giải quyết phi hạt nhân hóa còn chưa định hình và phi hạt nhân hóa là chuyện sẽ rất dài, thượng đỉnh Hà Nội mở ra kỳ vọng Mỹ, Triều có cơ hội đối thoại sòng phẳng để dàn xếp quan hệ tốt đẹp trong tương lai. Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai vì thế không còn đóng vai trò biểu tượng trong quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng mà rất có thể sẽ là khởi đầu cho những thay đổi mang tính lịch sử tại khu vực.

GÓC CHUYÊN GIA

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG, nghiên cứu viên Trung tâm Belfer, ĐH Harvard (Mỹ):

Bài học Việt Nam dành cho Triều Tiên

TS NGUYỄN VIỆT PHƯƠNG

Nếu dựa vào phát biểu của quan chức Việt Nam sau các cuộc gặp với phía Triều Tiên và Mỹ, có thể thấy Việt Nam đã luôn nhấn mạnh tâm thế sẵn sàng thúc đẩy đàm phán và hỗ trợ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Bên cạnh đó là một nước từng có thời gian dài chịu lệnh cấm vận của Mỹ từ năm 1975 nhưng ngay sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995, Hà Nội đã chủ động tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác kinh tế với Washington và đưa hai bên xích lại gần nhau hơn trong các vấn đề an ninh, đặc biệt là trong năm năm trở lại đây.

Như vậy, rõ ràng bên cạnh bài học về cải tổ kinh tế, Việt Nam còn có thể chia sẻ với Triều Tiên một bài học quan trọng khác về chiến lược ngoại giao với Mỹ và cách thức khôi phục lại vị thế trên trường quốc tế. Về phía Mỹ, chắc chắn Tổng thống Trump và những người kế nhiệm cũng muốn chứng kiến một quốc gia Triều Tiên chuyển mình theo hướng đi của Việt Nam - từ một quốc gia thù địch với Mỹ trở thành một đối tác có quan hệ tốt đẹp về kinh tế, ngoại giao và người dân đặc biệt có thiện cảm với Mỹ. Vì vậy, Việt Nam trong tương lai gần hoàn toàn có thể đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp Mỹ và Triều Tiên tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.

Tất nhiên đây là một quá trình dài hơi, đòi hỏi Việt Nam có một chiến lược ngoại giao nhất quán, chủ động thay vì những nước đi trung gian có hiệu quả nhưng mang tính ngắn hạn, thiếu ảnh hưởng về dài hạn. Bài học lớn cho Việt Nam về khía cạnh này là Mông Cổ. Mông Cổ từng rất thành công trong việc chủ động giúp tổ chức các hội nghị bán chính thức (kênh 1.5) giữa Triều Tiên và các bên liên quan như Nhật Bản và Mỹ. Tuy nhiên, do không thực sự có vị trí quan trọng trong chính sách ngoại giao của các nước khu vực và không thực sự theo đuổi đến cùng việc thúc đẩy đối thoại Mỹ-Triều, Nhật-Triều nên trong vài năm trở lại đây, Mông Cổ đã không còn được chú ý đến nhiều trong tư cách một quốc gia trung gian cho các đàm phán liên quan tới Triều Tiên.

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quốc tế, ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM):

Cơ hội nâng cao quan hệ Việt-Triều

TS NGUYỄN THÀNH TRUNG

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ. Bên cạnh đó, đây còn là một cơ hội lớn khẳng định vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; thắt chặt quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Triều Tiên.

Với tư cách quốc gia đăng cai một sự kiện tâm điểm của thế giới hiện nay, Việt Nam được lợi rất nhiều về mặt vị thế và hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế. Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức thành công nhiều hội nghị thượng đỉnh quốc tế. Sau hội nghị thượng đỉnh giữa Triều Tiên và Mỹ lần này, Việt Nam sẽ tự tin hơn để trở thành quốc gia chủ nhà cho các sự kiện nổi bật quốc tế khác.

Lịch sử quan hệ Việt Nam và Triều Tiên nước có nhiều bước thăng trầm. Nhân sự kiện thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này, mối quan hệ giữa Việt Nam và Triều Tiên sẽ được cải thiện hơn khi Triều Tiên có thể học hỏi các mô hình cải cách kinh tế, thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc của Việt Nam.

TS RAMON PARDO, Chủ tịch KF-VUB Hàn Quốc tại Viện Nghiên cứu châu Âu về quan hệ quốc tế thuộc King’s College London:

Châu Âu "đồng điệu" với Triều Tiên

TS RAMON PARDO

Bức tường Berlin sụp đổ, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu bắt đầu xây dựng hệ thống nhà nước dân chủ với nhiều cải cách thể chế và tự do hóa thị trường. Vì thế châu Âu thấu hiểu và đồng cảm với những thử thách Triều Tiên đang phải đối mặt. Đặc biệt là các cải cách kinh tế bởi vì châu Âu đã từng trải qua điều đó.

Trước thềm hội nghị Mỹ-Triều diễn ra tại Hà Nội ngày 27-2, châu Âu hy vọng một thỏa thuận phi hạt nhân hóa sẽ được ký kết và Bình Nhưỡng sẽ cởi mở hơn về các cải cách kinh tế. Hiện vẫn chưa có những tiến bộ rõ rệt kể từ sau hội nghị Mỹ-Triều ở Singapore tháng 6 năm ngoái. Triều Tiên và Mỹ hiểu rất rõ họ muốn gì tại cuộc gặp gỡ liên Triều lần này. Trong vài tháng tới, Mỹ muốn Triều Tiên phải hành động rõ ràng để ít nhất chứng tỏ là họ sẵn sàng thực hiện phi hạt nhân hóa dù thực tế có thể không như mong đợi.

Ông MICHAEL E. O’HANLON, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Nghiên cứu chính sách nước ngoài của Brookings:

Đổi mới của Việt Nam là bài học then chốt

Những thành tựu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam chính là bài học then chốt nhất mà Triều Tiên sẽ rút ra được thông qua hội nghị thượng đỉnh lần này. Kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng trong thời gian qua. Quan hệ giữa Triều Tiên và Việt Nam sẽ được củng cố mạnh mẽ thông qua việc trao đổi kinh nghiệm giữa hai nước.



Đảm bảo điều kiện tốt nhất cho thượng đỉnh Mỹ-Triều

Sáng 24-2: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và chủ trì cuộc họp báo cáo, đánh giá tình hình chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều tại trung tâm báo chí quốc tế (được đặt tại Cung văn hóa Lao động, 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Thủ tướng hoan nghênh Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TP Hà Nội và các cơ quan, đơn vị liên quan đã tích cực chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Lực lượng công binh rà bom mìn tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (nơi đặt trung tâm báo chí quốc tế) trước thềm hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chiều 23-2: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã cắt băng khánh thành trung tâm báo chí quốc tế. Đã có gần 3.000 phóng viên nước ngoài và Việt Nam đăng ký tác nghiệp, đưa tin về sự kiện thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Chiều 21-2: Thượng tá Nguyễn Thành Long, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hà Nội, cho biết cơ quan này đã sẵn sàng cả về lực lượng và phương tiện nhằm đảm bảo an ninh tuyệt đối cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.

Chiều 19-2: Tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các ban, ngành liên quan nhằm rà soát công tác chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều.


Tin mới

iPhone của bạn sắp thành "đồ cổ"? Đây là điều bạn cần biết!
2 giờ trước
Mọi sản phẩm công nghệ đều có giới hạn vòng đời. Apple cam kết hỗ trợ các thiết bị của mình ít nhất 5 năm sau khi ngừng bán, nhưng sau mốc thời gian này, chúng có thể bị phân loại là “hàng cũ”.
"Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với điều hoà là đẩy lùi sinh hoạt 40-50 năm"
35 phút trước
Nhiều đại biểu Quốc hội đã đề xuất loại điều hoà nhiệt độ khỏi danh mục mặt hàng chịu thuế trong dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Cuộc chạy đua robot của các 'ông lớn' công nghệ ngày càng nóng, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng vừa nhanh chóng tham gia
22 phút trước
Thị trường này được dự báo sẽ đạt 38 tỷ USD vào năm 2035, với gần 1,4 triệu lô hàng.
FWD Việt Nam: Điểm sáng trong bảng xếp hạng môi trường làm việc 2024
47 phút trước
Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD tiếp tục được vinh danh trong bảng xếp hạng Top 100 Nơi Làm Việc Tốt Nhất Việt Nam 2024, khẳng định vị thế hàng đầu trong thị trường lao động.
Doanh số tại Việt Nam tăng mạnh, Yamaha kiếm được bao nhiêu tiền?
39 phút trước
Trong Quý III/2024, Việt Nam là thị trường có tăng trưởng doanh số cao thứ 2 trên toàn thế giới của Yamaha.

Tin cùng chuyên mục

Trung Quốc tự đẩy mình vào 'thời khắc sinh tử': 300 startup xe điện chỉ còn 7 hãng lớn có thể tồn tại, chiến trường xe điện khốc liệt hơn bất kỳ lúc nào
12 giờ trước
Chỉ những công ty có thể duy trì hoạt động mà không cần đến nguồn tài trợ bên ngoài mới có thể tiếp tục cuộc đua, trong bối cảnh nỗi lo về tình trạng dư thừa công suất luôn rình rập.
SUV điện cỡ lớn Hyundai Ioniq 9 chính thức ra mắt: Tầm di chuyển 620 km, đấu trực tiếp với VinFast VF 9
22 giờ trước
Mẫu xe này sẽ được bán tại Mỹ, Hàn Quốc từ đầu năm 2025 trong khi các thị trường khác phải đợi đến cuối năm.
Báu vật tâm linh: Thế giới chỉ 2 nước có, Việt Nam sở hữu cá thể 700 tuổi, thuộc hàng Tứ Thiết quý hiếm
23 giờ trước
Cá thể cổ thụ này được xếp hạng là Cây Di sản Việt Nam.
HIIVE by fusion: Ưu đãi mùa lễ hội dành cho doanh nghiệp tại Bình Dương
23 giờ trước
Doanh nghiệp phát triển, việc giữ chân nhân tài và xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, tận tâm ngày càng trở nên thách thức. Lựa chọn địa điểm tổ chức sự kiện hay nơi nghỉ dưỡng cho nhân viên không chỉ đơn thuần đáp ứng nhu cầu cơ bản mà còn là chiến lược khẳng định vị thế và nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ nhân sự.