Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong thời gian lãnh đạo của mình khi mà đã 3 tuần trôi qua, những cuộc biểu tình bạo lực vẫn lan rộng khắp nước Pháp. Những người biểu tình "Áo vàng" yêu cầu chính phủ giảm sức ép về tài chính lên phần lớn dân số đang phải vật lộn để kiếm sống.
Phong trào biểu tình Áo vàng đang lan rộng khắp nước Pháp. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Edouard Philippe đã tìm cách xoa dịu đám đông giận dữ ngày 4/12 với thông báo sẽ tạm ngưng thuế nhiên liệu trong 6 tháng, trái ngược hoàn toàn với quyết định tăng thuế xăng dầu đưa ra tháng 11/2018 của chính phủ Pháp, được cho là nguyên nhân làm bùng phát phong trào “Áo vàng” dẫn đến tình trạng bạo động trong những ngày qua.
Tuy nhiên, động thái nhượng bộ này của chính phủ Pháp dường như vẫn chưa đủ để giải quyết tình hình phức tạp hiện nay bởi các thành viên trong phong trào "Áo vàng" thực chất đã có nhiều vấn đề sâu xa trong nhiều năm qua và quyết định tăng giá nhiên liệu hồi tháng 11/2018 của chính phủ Pháp chỉ là “giọt nước” cuối cùng làm “tràn ly” giận dữ.
Dưới đây là 5 con số lý giải cho những cuộc biểu tình của phong trào Áo vàng không ngừng lan rộng ở Pháp trong nhiều tuần qua:
1.700 euro: Thu nhập bình quân hàng tháng của người dân Pháp
Pháp, cũng giống như những nước phương Tây khác có khoảng cách chênh lệch giàu nghèo sâu sắc. 20% dân số có thu nhập cao nhất kiếm được gấp gần 5 lần so với 20% dân số có mức thu nhập thấp nhất.
1% người giàu nhất của Pháp nắm giữ 20% của cải. Tuy nhiên, mức thu nhập bình quân hàng tháng của người dân Pháp chỉ khoảng 1.700 euro hoặc 1.930 euro. Điều đó tức là hơn 1 nửa số người lao động Pháp thậm chí chỉ được trả số tiền thấp hơn cả mức trung bình này.
Nhiều người biểu tình trong phong trào Áo vàng đang lên tiếng cho việc họ đã phải vật lộn ra sao để xoay xở đủ tiền thuê nhà, nuôi sống gia đình và thậm chí phải dành dụm chi tiêu để trả cho các chi phí sinh hoạt khác như giá nhiên liệu không ngừng tăng lên trong khi thu nhập gia đình thì hầu như vẫn vậy.
Và có một sự thật là từ trước tới nay cuộc sống của người dân Pháp không phải lúc nào cũng chật vật như vậy.
Sau Thế chiến 2, mức sống và tiền lương của người dân Pháp liên tục tăng trong suốt 30 năm khiến người ta thậm chí đã gọi giai đoạn này của nước Pháp là "30 năm rực rỡ". Tiền lương cho những người lao động thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn có xu hướng tăng trong suốt giai đoạn đầu những năm 1980 nhờ các thỏa ước lao động tập thể của liên đoàn lao động.
Tuy nhiên, sau đó, theo nhà kinh tế học Pháp Thomas Piketty, việc các chính phủ kế nhiệm cánh tả tăng tính cạnh tranh bằng cách gây sức ép lên thu nhập của người dân đã khiến mức thu nhập trung bình của tầng lớp trung lưu và lao động nghèo của Pháp gần như chững lại, chỉ tăng 1%/năm hoặc ít hơn.
Những người giàu ngày càng giàu hơn trong khi cuộc sống của những người nghèo và những người thu nhập trung bình thì ngày càng chật vật.
Dù vậy, người lao động Pháp vẫn trong tình trạng khá khẩm hơn so với Italy khi mà tỷ lệ tăng lương thực tế của nước này còn ở mức âm từ năm 2016.
Mức lương tính theo giờ ở Pháp đang tăng lên nhưng sự tăng trưởng này vẫn diễn ra vô cùng chậm chạp và thậm chí còn trì trệ hơn vào giai đoạn cuối của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2012.
1,8%: Mức tăng trưởng kinh tế
Pháp là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Âu, chỉ sau Anh và Đức, cũng như là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới trước khi phải đối phó với tình trạng lạm phát. Các du khách đến Paris đều choáng ngợp với sự hào nhoáng bên ngoài và mặc định rằng người dân ở đây cũng có một cuộc sống giàu có như vẻ xa hoa của thủ đô hoa lệ này.
Thế nhưng, sự thực là tăng trưởng kinh tế Pháp đã trì trệ trong gần 1 thập kỷ kể từ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và mới chỉ bắt đầu cải thiện hơn trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, mức độ phục hồi nền kinh tế ở Pháp cũng không đồng đều. Phần lớn các công việc cố định đều đã bị xóa sổ, đặc biệt ở các khu vực nông thôn và những nơi từng là khu công nghiệp. Tuy vẫn có nhiều công việc mới được tạo ra nhưng những công việc này chỉ là những hợp đồng lao động tạm thời.
Sự tăng trưởng là yếu tố then chốt để cải thiện điều kiện làm việc cho những người đang biểu tình đấu tranh cho một cuộc sống tốt hơn. Trong khi nền kinh tế vừa mới khôi phục trước khi ông Macron nhậm chức giúp tạo ra việc làm thì sự tăng trưởng này cũng chỉ "đóng băng" ở mức 1,8% hàng năm, tương tự với sự tăng trưởng chậm chạp của các quốc gia còn lại trong khu vực EU.
Trên 9%: Tỷ lệ thất nghiệp
Sự tăng trưởng chậm chạp khiến nước Pháp gặp khó khăn hơn để giải quyết một vấn đề nữa: thất nghiệp.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp rơi vào khoảng từ 9 - 11% từ năm 2009, khi cuộc khủng hoảng nợ công bắt đầu tấn công châu Âu. Tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp đã giảm xuống còn 9,1% so với mức 10,1% khi ông Macron nhậm chức. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao gấp đôi so với con số ở Đức.
Ông Macron từng cam kết sẽ làm giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 7% cho tới cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo diễn ra vào năm 2022 nhưng sau đó ông đã phải thừa nhận sự thất bại khi thực hiện lời cam kết này. Điều này có thể là “mồi lửa” châm ngòi cho chủ nghĩa dân túy trên toàn nước Pháp.
Để đạt được con số 7% như ông Macron hứa hẹn, nền kinh tế Pháp sẽ phải tăng trưởng ít nhất 1,7% trong 4 năm tiếp theo nhưng khả năng này cũng không có gì là chắc chắn, nhóm nghiên cứu Quan sát Kinh tế Pháp cho biết.
Tổng thống Macron cũng có những nỗ lực để vực dậy nền kinh tế Pháp qua những kế hoạch cải cách. Những nỗ lực này đã thu hút các công ty như Facebook và Google tới Pháp nhưng kết quả mang lại cho những người lao động tích cực đến đâu vẫn cần thời gian giải đáp. Ngoài ra, một số nội dung trong kế hoạch cải cách này khiến nhiều người lao động giận dữ khi họ cảm thấy quyền lao động của mình bị coi nhẹ.
Toàn cảnh vụ biểu tình nghiêm trọng nhất 5 thập kỷ qua tại Pháp VOV.VN - Cuộc biểu tình lớn nhất 5 thập kỷ qua tại Pháp nổ ra khi hàng chục nghìn người kêu gọi chính phủ giảm thuế xăng dầu, điều chỉnh chính sách kinh tế.
3,2 tỷ euro: Số tiền cắt giảm thuế cho người giàu
Nằm trong một phần kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế, Tổng thống Macron đã quyết định cắt giảm thuế cho những người nộp thuế giàu có nhất của Pháp trong năm đầu tiên đương nhiệm, gồm cả việc tạo ra cái gọi là thuế đồng đều (flat tax) cho các khoản thu nhập từ vốn.
Điều này khiến số tiền thuế chính phủ Pháp thu được trong năm nay giảm 3,2 tỷ euro hoặc có thể lên tới 3,6 tỷ euro.
Những cải cách của ông Macron cho thấy hầu như rất ít kết quả tăng trưởng thực sự. Thay vào đó, Tổng thống Pháp còn bị cáo buộc chỉ làm lợi cho những người giàu. Đây là một trong những nguồn cơn tạo nên sự giận dữ của đám đông những người biểu tình Áo vàng.
Trong khi những người thu nhập cao hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế trong kế hoạch tài chính của ông Macron thì những người thu nhập thấp vẫn phải vật lộn để kiếm sống và dành dụm tiền để mua được nhiên liệu. Thậm chí trước khi phong trào Áo vàng bùng phát, ông Macron đã dần nhận ra sự ủng hộ dành cho ông đang suy giảm và chính phủ Pháp đã có những động thái chuyển hướng về phía những người Pháp bị bỏ lại phía sau do vòng cắt giảm thuế trước đó.
715 tỷ euro: Chi phí cho mạng lưới an sinh xã hội
Các cuộc khảo sát đều cho thấy phong trào Áo vàng đang nhận được sự ủng hộ của 3/4 dân số, đặt ra câu hỏi về việc những người biểu tình này đã phải chịu đựng những bất công bị đè nèn lâu và nhiều như thế nào nên mới bùng phát thành một cuộc biểu tình dữ dội như vậy.
Pháp có một trong những hệ thống an sinh xã hội "hào phóng" nhất thế giới với hơn 1/3 GDP dành cho các chi phí phúc lợi xã hội, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu.
Năm 2016, Pháp đã chi 715 tỷ euro cho các dịch vụ chăm sóc y tế, trợ cấp gia đình, thất nghiệp và nhiều dịch vụ khác. Tuy nhiên, mọi thứ đều có cái giá của nó và để có được sự hỗ trợ này, người lao động Pháp cũng phải chi trả mức thuế thuộc hàng cao nhất ở châu Âu./.