Dự án iFan gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với những người đang đầu tư vào đồng tiền số. Ngoài iFan, tiền số còn nhiều kênh đầu tư bị biến tướng khác, có khuynh hướng lừa đảo. Để nhận diện, theo ông Nguyễn Thế Minh cần lưu ý 5 điểm điển hình.
Thứ nhất, vị chuyên gia này cho rằng cần phải lưu ý, xoáy sâu vào việc dự án tìm kiếm lợi nhuận tự động mà không đưa ra bất kỳ rủi ro nào, thậm chí rủi ro bằng không.
Thứ hai, các nhà đầu tư cũng nên lưu tâm nếu dự án đưa ra mức lợi nhuận khủng (thông thường là trên 30% hoặc thậm chí là 50% trong vòng 1 năm đầu tư) mà không đề cập nhiều đến hiệu quả của dự án đầu tư.
Đồ họa: Hương Xuân.
Thứ ba, các dự án có khuynh hướng lừa đảo thường được trình bày khá mơ hồ và cũng chưa có sản phẩm cụ thể. Thông thường ở Việt Nam, các nhà sáng lập coin thường hay dùng bất động sản là dự án thế chấp hay dự án ví dụ cho việc huy động coin là phương thức kiếm tiền theo kiểu đa cấp bằng việc giới thiệu người này và người kia để hưởng mức hoa hồng cao.
Thứ tư, các dự án lừa đảo này cũng tạo ra các profile ảo của những nhà sáng lập và dự án.
Cuối cùng, các nhà đầu tư cũng nên lưu ý trước những trình bày thành quả (nhà, xe,…) mà những người sáng lập, người đầu tư trước đã đạt được từ dự án.
Để bảo vệ bản thân trước cơn lốc tiền số, kinh doanh sản phẩm tài chính kiểu đa cấp, ông Nguyễn Thế Minh cũng đưa ra một số lời khuyên. Theo ông, trước khi xuống tiền cho các thương vụ ICO, cần đánh giá theo 6 tiêu chí.
Cụ thể, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ lưỡng công nghệ nền tảng, kỹ thuật và tiềm năng ứng dụng (tìm hiểu xem có các tập đoàn uy tín nào sử dụng đồng coin đó hay không).
Đội ngũ phát triển cũng là một thông tin cần được chú ý cân nhắc trước khi xuống tiền. Bên cạnh đó, người tham gia đầu tư cũng cần phải xem xem công ty có liên tục cải tiến hay không, lượng coin của những người sáng lập là bao nhiêu, nguồn cung cụ thể (để nắm được lượng coin tồn tại), việc truyền thông cũng như các sàn giao dịch như thế nào…