Trong nửa tháng trở lại đây, VnIndex đã rơi một mạch từ ngưỡng 1.200 điểm về 1.026 điểm tính đến hết phiên sáng nay. Tức, VnIndex đã "đi tong" 15% chỉ trong 2 tuần giao dịch ngắn ngủi. Nhiều nhà đầu tư đối diện cú sốc bất ngờ nên đã bị thua lỗ nặng nề. Đặc biệt, phần thua lỗ dành cho những nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm quản lý danh mục, sử dụng quá đà đòn bẩy tài chính.
Chúng tôi xin điểm nhanh 5 yếu tố lớn đang hiện hữu, nhà đầu tư cần bình tĩnh, cân nhắc và hành động phù hợp cho danh mục đầu tư của mình.
Thứ nhất: Trạng thái call margin đang gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Theo số liệu thu thập tính tới cuối năm 2020, dư nợ cho vay tại các CTCK hiện vào khoảng 90.000 tỷ đồng (trong đó dư nợ cho vay margin khoảng 81.000 tỷ đồng), tăng 40% so với cuối quý 3 và tăng 84% so với thời điểm thị trường tạo đáy tại vùng 660 điểm vào cuối quý 1/2020. Đây cũng là con số kỷ lục về dư nợ cho vay trên TTCK Việt Nam từ trước tới nay.
Dù dư nợ margin trên thị trường đang lập kỷ lục, tuy nhiên con số này đang khá thấp so với quy mô TTCK Việt Nam hiện nay. Tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Giá trị giao dịch trung bình quý 4/2020 chỉ đạt khoảng 7,4 lần, thấp hơn so với thời điểm VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.204 điểm (đầu quý 2/2018) là 12,2 lần và thấp hơn nhiều so với giai đoạn quý 4/2019 khi tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Giá trị giao dịch trung bình lên tới 22,5 lần. Chính vì lý do này, nhiều ý kiến cho rằng dư nợ margin cao không phải là vấn đề lớn của thị trường.
Tuy nhiên, đó là nhận định đưa ra khoảng 2 tuần trước. Phiên giao dịch hôm nay đã cho thấy thị trường chứng khoán đang đối mặt với áp lực call margin lớn. Lực cầu cân giá khá tốt khi thanh khoản vẫn ở mức cao nhưng áp lực call mạnh đi kèm với sự sợ hãi dây chuyền đã khiến thị trường chứng khoán chìm trong sắc xám.
Thứ hai: Mùa báo cáo tài chính năm Covid-19 thứ nhất đang diễn ra. Và, chúng ta nhận thấy rằng rất nhiều công ty đã tận dụng cơ hội để bứt phá mạnh mẽ, nhiều công ty đạt lợi nhuận cao, tăng trưởng rất cao. Trong khi đó, những mảng xám của doanh nghiệp cũng dần xuất hiện. Những doanh nghiệp không có lợi thế trong đại dịch cũng đang bắt đầu ngấm đòn.
Chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư-hơn bao giờ hết-cần đọc kỹ báo cáo tài chính của doanh nghiệp để tìm ra cho mình những cổ phiếu sáng giá. Nói nôm na như thế này, nếu cả tốt lẫn xấu đều bị thị trường chứng khoán "cá mè một lứa" đem bán sàn vô tội vạ thì đương nhiên, những cổ phiếu tốt đã bị đánh giá không phù hợp. Trong nhịp hồi của thị trường, những cổ phiếu tốt sẽ hồi nhanh hơn.
Thứ ba: Kế hoạch rút tiền tiêu tết của nhiều nhà đầu tư bị vỡ bởi 2 tuần thảm khốc của thị trường. Năm 2020, nhiều nhà đầu tư đương nhiên thắng lớn, nhiều người đã nhân đôi, nhân ba tài khoản và họ cũng lên kế hoạch chọn thời điểm để hiện thực hóa lợi nhuận, tạm rời thị trường chứng khoán trước kỳ nghỉ dài.
Tuy nhiêm, chẳng ai có thể ngờ thị trường chứng khoán "đang vui thì đứt dây đàn". Nhà đầu tư đa phần không kịp trở tay với diễn biến quay ngoắt 180 độ của thị trường chứng khoán nên đã chưa kịp thực hiện kế hoạch. Vì "vỡ" kế hoạch, nhà đầu tư có vẻ cũng không cam lòng về tay không nên nhiều người đã ở lại thị trường chứng khoán. Dù gì, đây cũng là một điểm tốt cho thị trường.
Thứ tư: Dịch bệnh Covid-19 một lần nữa bùng phát ở Việt Nam. Thông tin này đang khiến nhiều nhà đầu tư lo sợ. Nhưng, trải qua một năm Covid, nhìn những lần xử lý kiểm soát dịch bệnh hết sức tài ba của Chính phủ, Nhà nước, người dân hoàn toàn có thể tin rằng có thể lần này chúng ta vẫn có thể vượt qua lần nữa.
Nhà đầu tư nên bình tĩnh đón đọc những thông tin chính xác từ sở ban ngành để hành động đúng. Sự hoảng loạn sẽ khiến bản thân mắc sai lầm.
Thứ năm: Bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn ổn định. Hàng loạt dự báo cho thấy Việt Nam vẫn đang là ngôi sao đang lên. Tăng trưởng kinh tế 2021 dự kiến vẫn ở mức cao so với thế giới.
Việc nháo nhào bán, mua của nhà đầu tư có thể sẽ khiến nhà đầu tư phải trả giá rất đắt. Nhà đầu tư cần cẩn trọng suy xét để có thể cho mình lựa chọn tốt nhất.