Mới đây cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã thông báo hoàn tất việc đấu thầu và xác định các doanh nghiệp tham gia trúng thầu gói thầu 500.000 tấn gạo nhằm gia tăng dự trữ lương thực.
Đáng chú ý trong danh sách công bố này, Việt Nam là quốc gia duy nhất có nhiều doanh nghiệp tham gia và thắng thầu với số lượng lớn. Cụ thể, có đến 3 doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu đến 2 lô là Tập đoàn Lộc Trời (LTG) với số lượng 2 lô (số 8 và 14). Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (lô số 15+16), Tổng công ty Lương thực Miền Nam (lô số 3+9).
Bên cạnh đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu Kiên Giang trúng lô thầu số 12 và Công ty TNHH Lương thực Phát tài (Đồng Tháp) trúng lô số 11. Với 5 doanh nghiệp này, Việt Nam chiếm số lượng đến 2/3 trong gói thầu 500.000 tấn gạo này.
Ngoài Việt Nam, một đơn vị thương mại khác cũng trúng thầu trong gói thầu này là R&S Trader PTE ở Singapore thắng thầu 3 lô 10, 13 và 17.
Theo dữ liệu từ Tổng Cục hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam đạt 4,6 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước. Trong năm 2023, Indonesia đã vươn lên trở thành nhà nhập khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam với sản lượng hơn 1,1 triệu tấn, thu về hơn 640 triệu USD, tăng mạnh 878% về lượng và tăng đến 992% về trị giá so với năm 2022. Giá xuất khẩu đạt 575 USD/tấn, tăng 18,3%.
Về sản lượng, Việt Nam hiện là nước sản xuất gạo lớn thứ 5 thế giới và là nhà xuất khẩu lớn thứ ba thế giới. Năm 2023, sản lượng gạo của Việt Nam đạt hơn 43 triệu tấn, tăng khoảng 2% so với năm 2022. Đáng chú ý lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam vượt ngưỡng 8 triệu tấn trong năm 2023 – cao hơn mức khoảng 6-7 triệu tấn những năm gần đây.
Tại Indonesia , hạn hán kéo dài do hiện tượng thời tiết El Nino ước tính làm giảm 2% sản lượng gạo của Indonesia vào năm 2023, trong khi việc gieo trồng cho vụ thu hoạch chính năm 2024 đã bị trì hoãn.
Cơ quan khí tượng BMKG của Indonesia dự báo hiện tượng El Nino sẽ duy trì đến đầu năm 2024, giảm dần và kết thúc vào tháng 4. Sản lượng lúa tháng 1/2024 của quốc gia này ước tính ở mức 930.000 tấn, tháng 2 ước tính 1,32 triệu tấn, so với mức tiêu thụ hàng tháng là 2,54 triệu tấn.
Dữ liệu từ Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (NFA) cho thấy tồn trữ gạo của nước này vào cuối năm 2023 đạt 7,46 triệu tấn, bao gồm cả lượng gạo tồn trữ của các hộ gia đình và người bán buôn. Sarwo Edhy, quan chức cấp cao của NFA cho biết: “Dự trữ sẽ đủ cho đến tháng 3, trong khi vụ thu hoạch chính có thể bị trì hoãn cho đến tháng 4 và tháng 5”.
Một số chuyên gia dự báo giá gạo sẽ vẫn neo cao trong năm 2024. Ấn Độ có thể sẽ tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu gạo sau cuộc bầu cử và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino có thể kéo dài tới giữa năm nay.