Khởi công sân bay Quốc tế Long Thành
Đây được xem là dấu ấn của hạ tầng giao thông năm 2021. Cũng chính thông tin này đã khiến BĐS Đồng Nai nói riêng, các khu vực lân nói chung "dậy sóng", giá liên tục tăng lên mặt bằng mới.
Ngày 5/1/2021, dự án sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1, tổng mức đầu tư 4.665 tỷ USD (109,111.7 tỷ Đồng) chính thức khởi công, dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 vào năm 2025 (bao gồm các hạng mục: một đường cất – hạ cánh dài 4,000 m rộng 75 m và hệ thống đường lăn; 1 nhà ga hành khách công suất 25 triệu hành khách/năm (tổng diện tích sàn 373,000 m2) và 1.2 triệu tấn hàng hóa/năm).
Mới đây, báo cáo tình hình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đánh giá tiến độ vẫn còn chậm. So với dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông, chỉ trong 2 năm đã bàn giao gần như toàn bộ mặt bằng (khoảng 500.000ha, đạt tỉ lệ 98,8%) để thấy rằng, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án sân bay Long Thành hiện là một vấn đề.
Đến tháng 3/2022, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự kiến tiến hành gói thầu san lắp mặt bằng, cần 2.500ha mặt bằng. Tiến độ xây dựng các khu tái định cư cũng không hoàn thành trong năm 2021 và phải kéo dài đến tháng 5-2022 nên ảnh hưởng trực tiếp đến việc di dời các hộ dân vào các khu tái định cư.
Về tiến độ giải ngân, trong năm 2021 đạt 5.953 tỉ đồng (38,17%) theo kế hoạch vốn. Lũy kế giải ngân từ năm 2018 đến nay được 13.209 tỉ đồng, đạt 57,8%. Đối với giải ngân trong tháng 11-2021, giải ngân tăng thêm so với tháng trước là 4,52%.
Theo Phó Thủ Tướng Lê Văn Thành, đây là công trình trọng điểm, ai làm chậm, ảnh hưởng tiến độ thì đứng ra ngoài để người khác làm. Dự án có số vốn đầu tư hơn 109.000 tỉ đồng (khoảng 4,6 tỉ USD), nếu chậm trễ một ngày thì thiệt hại sẽ rất lớn nên ông yêu cầu cần tập trung cao độ cho công tác giải phóng mặt bằng với "tinh thần đổi mới".
Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã thu hồi tổng diện tích 4.108ha (đạt 85%), phần diện tích còn lại sẽ hoàn thành thu hồi trong năm 2021. Đồng thời cam kết thi công đến đâu tỉnh sẽ bàn giao mặt bằng đến đó, trong quý 1/2022, tỉnh sẽ bàn giao toàn bộ 2.500ha mặt bằng giai đoạn 1.
Cầu nối Bình Tân và Tân Phú (Tp.HCM) hơn 500 tỉ đồng thông nhánh xe đầu tiên
Ngày 5/12/2021, Ban Quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông Tp.HCM tổ chức lễ thông xe nhánh cầu 1 thuộc dự án xây dựng mới cầu Bưng.
Dự án xây dựng cầu Bưng nằm trên tuyến đường Lê Trọng Tấn tiếp giáp quận Tân Phú và Bình Tân được khởi công năm 2017 với số vốn đầu tư 514 tỉ đồng.
Theo thiết kế, cầu Bưng mới bắc qua kênh Tham Lương sẽ có tổng chiều dài 560m, trong đó xây cầu mới dài 212m, rộng 21 – 24m để thay thế cho cống tròn trước nay chỉ có đường kính 1m và mặt đường trên cống chỉ rộng 7m.
Dự án cầu Bưng sau khi hoàn thành sẽ xoá tình trạng nút thắt cổ chai trên đường Lê Trọng Tấn, đồng thời giảm tải áp lực giao thông khu vực cũng như đồng bộ dự án tiêu thoát nước xử lý ô nhiễm tuyến kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành sau 20 tháng kể từ ngày khởi công. Tuy nhiên, đến nay đã 4 năm xây dựng nhưng dự án chỉ mới thông xe được nhánh đầu tiên.
Theo Ban quản lý dự án, nguyên nhân chậm tiến độ là do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng kéo dài. Dự kiến, toàn bộ công trình sẽ được hoàn thành và thông xe vào tháng 9/2022.
Thông xe cầu Phước Lộc (Nhà Bè)
Ngày 7/01/2021, Cầu Phước Lộc (huyện Nhà Bè, Tp.HCM) được thông xe sau 8 năm khởi công.
Cầu Phước Lộc hiện hữu dài 72m, mặt cầu rộng 2,3m, không có lề bộ hành và đã xuống cấp trầm trọng. TP có chủ trương xây dựng cầu Phước Lộc với tổng mức đầu tư hơn 405 tỉ đồng, trong đó có 90 hộ dân bị ảnh hưởng.
Tháng 6/2012, dự án khởi công nhưng đến thăng 7/2018 thì dang dở do vướng mặt bằng. Năm 2019, với sự ủng hộ của TP, chủ đầu tư nỗ lực đến từng nhà dân vận động người dân. Sau 7 năm chờ đợi, chủ đầu tư mới tiếp nhận mặt bằng sạch để thi công hoàn thiện dự án.
Cây cầu đã thông xe giúp người dân hai xã Phước Lộc và Phước Kiển đi lại dễ dàng và góp phần kết nối giao thông ở phía Nam Tp.HCM, từ đó cũng tạo động lực cho thị trường BĐS khu vực này sôi động.
Hợp long cầu Thủ Thiêm 2
Ngày 2/9/2021, công trình cầu Thủ Thiêm 2 chính thức hợp long nối liền TP. Thủ Đức và Quận 1, dự kiến khai thác vào quý 2/2022. Công trình có vốn đầu tư gần 3,100 tỷ đồng.
Cầu Thủ Thiêm 2 là công trình trọng điểm, cấp bách, nên UBND Tp.HCM cho phép nhà đầu tư duy trì thi công trong thời gian siết chặt các biện pháp giãn cách phòng chống Covid-19.
Công trình cầu Thủ Thiêm 2 dài hơn 1,4 km, trong đó phần cầu dài 886 m với 6 làn xe; thiết kế dây văng với trụ tháp chính cao 113 m. Dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), động thổ năm 2015. Ban đầu, thành phố dự kiến cầu hoàn thành năm 2018, song gặp nhiều vướng mắc nên lỗi hẹn.
Thông xe đường nối Nhơn Trạch với cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây
Ngày 20/10/2021, công ty CP Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO đã tổ chức lễ thông xe tuyến đường 319 nối huyện Nhơn Trạch với cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Dự án này do Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 960 tỷ đồng, được khởi công vào tháng 7/2017.
Đường có chiều dài hơn 9km, gồm tuyến chính và các nhánh rẽ. Đường 319 nối dài và nút giao có điểm đầu tại ngã ba Bến Cam (huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) và điểm cuối tại nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Trên tuyến đường có 4 cầu được xây mới và các hạng mục phụ trợ gồm trạm thu phí và nhà điều hành. Theo quyết định của tỉnh Đồng Nai, dự án chính thức thu phí đối với các phương tiện lưu thông từ ngày 20/10/2021.
Tuyến đường 319 nối dài và nút giao với đường cao tốc Tp.HCM - Long Thành-Dầu Giây hoàn thành có ý nghĩa rất quan trọng với Đồng Nai và các tỉnh, thành khác. Tuyến đường sẽ rút ngắn hành trình từ Tp.HCM đi Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời góp phần giảm tải cho quốc lộ 51. Dự án tạo tiền đề cho việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đô thị mới Nhơn Trạch cũng như tỉnh Đồng Nai.
Đồng thời, tuyến đường mang ý nghĩa rất lớn trong phát triển Logistics của Đồng Nai, rút ngắn thời gian lưu thông, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp.