Chiếm lĩnh thị trường nước tương, tương ớt với gần 70% thị phần, Masan Consumer tiếp tục kết thúc năm 2018 với mức tăng ấn tượng hơn 30% về doanh thu. Điều này cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường này, mà theo quan điểm của Masan Consumer là "Trong số các mặt hàng đa dạng trong ngành hàng gia vị, nước sốt và nước sốt salad, nước mắm được xem là linh hồn của ẩm thực Việt".
Thật vậy, theo một nghiên cứu của Kantar Worldpanel, có khoảng 97% gia đình Việt Nam trong khu vực đô thị sử dụng nước mắm trong những bữa ăn hằng ngày. Thống kê năm 2017 của Euromonitor cũng ghi nhận giá trị thị trường ngành hàng gia vị, nước sốt và nước sốt salad vào khoảng 23.700 tỷ đồng tính đến cuối năm, và dự đoán là sẽ tăng trưởng kép (CAGR) 2017-2022 là 4%.
Lợi nhuận Cholimex Food tăng gấp đôi lên 100 tỷ đồng
Sớm gia nhập vào những năm 1985, anh cả Cholimex Food vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng đáng nể tính đến cuối năm 2018 với lợi nhuận gộp tăng 47% từ mức 359 tỷ lên 526 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế độn gấp đôi để chạm mốc 100 tỷ.
Thực tế, xuyên suốt giai đoạn 2010-2018, doanh thu và lợi nhuận Cholimex Food đi lên đều đặn với tốc độ tăng trưởng trung bình lần lượt đạt 23% và 25%. Trong đó, tỷ trọng xuất khẩu luôn chiếm trên 30% tỷ trọng, hiện thị trường xuất khẩu của Cholimex Food khá rộng từ châu Phi, châu Á, châu Mỹ đến châu Úc, Công ty hiện cũng là nhà cung cấp cho một số các Tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới như Mark & Spencer (Anh), Coop Migros (Thuỵ Sỹ), Real Metro (Đức), Woolworth (Úc), Wakefern (Mỹ).
Không chỉ tăng trưởng số tuyệt đối, hiệu suất kinh doanh Cholimex Food cũng vô cùng hấp dẫn. Biên lợi nhuận gộp hàng năm luôn trên 20%, riêng năm 2018 tăng 5% từ mức 22% (năm 2017) lên gần 27%. Biên lãi ròng cũng tương ứng tăng từ 3,6% lên hơn 5%.
Giai đoạn 2010-2018, doanh thu và lợi nhuận Cholimex Food đi lên đều đặn với tốc độ tăng trưởng trung bình lần lượt đạt 23% và 25%.
Biên lãi ròng 2018 tăng từ 3,6% lên hơn 5%.
Điểm lại Cholimex Food, Công ty được thành lập vào những năm đầu 80 với sản phẩm kinh doanh lúc bấy giờ là thuỷ sản chế biến khô với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 70%. Đến năm 1985, Công ty chính thức thêm sản phẩm tương ớt cùng một số mặt hàng đông lạnh nhằm gia tăng vị thế cạnh tranh, đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng.
Bước sang năm 1989, Cholimex food đã sớm khẳng định mình bằng sản phẩm tương ớt với vị cay và ngọt thanh, kết hợp hương thơm đặc trưng của tỏi, hợp khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên trình độ sản xuất còn lạc hậu, thiết bị thủ công, xay bằng cối đá, chiết rót bằng múc tay, Công ty đã cải thiện bằng cách nhập khẩu máy móc xay ớt từ Thuỵ Sỹ vào năm 1992. Cũng trong giai đoạn này, Công ty nhanh chóng nâng công suất chế biến từ vài ngàn chai/ngày lên khoảng 30.000 chai/ngày, tương ớt Cholimex theo đó bắt đầu nổi tiếng không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi các nước Đông Âu thông qua mạng lưới kinh doanh của người Việt Nam đi học tập và hợp tác lao động, nhiều nhất là xuất khẩu đi Cộng hòa liên bang Nga, Ba Lan, Ucraina..hàng tháng xuất khẩu lên đến 25-30 container 20ft.
Cholimex Food mở rộng ngành hàng sang nước chấm, nước tương với thương hiệu Hương Việt từ năm 2009 và cũng gặt hái được nhiều thành công nhất định.
Sau khoảng 30 năm hình thành và phát triển, Cholimex Food đã gầy dựng được chỗ đứng trên thị trường, mặc cho nhiều đối thủ nội ngoại gia nhập ngày càng nhiều. Công ty cũng đã thiết lập được hệ thống phân phối trên 63 tỉnh thành cả nước, phân phối thông qua nhiều kênh phổ biến như Metro, Co.op Mart, BigC…
Website Cholimex Food.
Từng được trả giá cao gấp 21 lần lợi nhuận cả năm
Với những lợi thế trên khiến Cholimex Food trở thành tâm điểm săn đón cho thương vụ M&A đầu tiên của Masan Consumer trong mảng thực phẩm. Được biết, Masan từng muốn thâu tóm 49% Cholimex với giá chào mua công khai là 90.000 đồng/cp, tương đương số tiền Masan bỏ ra sẽ lên đến 357 tỷ đồng. Thời điểm bấy giờ, Cholimex Food có vốn điều lệ 81 tỷ, với mức giá 90.000 đồng/cp thì đơn vị này đang được định giá ở mức 730 tỷ, mức giá trên còn gấp hơn 21 lần lợi nhuận năm 2013 của Cholimex Food là 34 tỷ đồng.
Không chỉ trả giá cao, kế hoạch chào mua của Masan còn vấp phải khó khăn khi ngay từ đầu, hai cổ đông chính của Cholimex Food là Xuất nhập khẩu và Đầu tư Chợ Lớn (Cholimex, sở hữu 40,72% cổ phần) và Nichirei Foods (sở hữu 19% vốn) không muốn bán ra. Không những vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015, các cổ đông lớn này còn phủ quyết nội dung "Đề cử Masan là thành viên Hội đồng quản trị", cho thấy quyết tâm không cho Masan đặt chân vào Ban điều hành doanh nghiệp.
Cơ cấu sở hữu Cholimex Food năm 2013.
Kết quả cuối cùng, Masan Food chỉ mua được 2,66 triệu cổ phiếu, tương ứng 32,84% cổ phần của Cholimex Food. Với tỷ lệ này, Cholimex Food đã gián tiếp trở thành công ty liên kết của Masan Consumer.