Ngày 13/7, tại phiên làm việc phiên họp thứ 58, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vay, trả nợ công giai đoạn 2021-2025; và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
5 năm tới, mức chi ngân sách đạt hơn 10 triệu tỷ đồng
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thống nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm tới. Theo đó, mức thu trong 5 năm tới sẽ gấp 1,2 lần 5 năm qua, ở mức 8,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân khoảng 16%, trong đó từ thuế phí khoảng 13,4%.
Bên cạnh đó, mức chi ngân sách 5 năm tới là 10,26 triệu tỷ đồng. Trong đó, chi đầu tư phát triển 2,87 triệu tỷ đồng (28%), chi thường xuyên khoảng 6,4 triệu tỷ đồng (60%). Bội chi bình quân 5 năm là 3,7% GDP.
Đặc biệt, trần nợ công không quá 60% GDP, thấp hơn so với giai đoạn 2016 - 2020 (65% GDP). Nợ Chính phủ không quá 50% GDP và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 45%. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách bình quân không quá 25%.
Tại kế hoạch đầu tư công trung hạn nêu rõ, dự kiến vốn cho cả giai đoạn 2021-2025 là 2,87 triệu tỷ đồng. Trong đó, ngân sách dự chi 100.000 tỷ đồng đối với 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn mới và giảm nghèo, an sinh xã hội.
Đồng thời, Chính phủ dự kiến dành 183.253 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương cho các dự án quan trọng quốc gia. Trong đó, bố trí gần 65.800 tỷ đồng ngân sách với các dự án: dự án giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông giai đoạn 1 và dự án hồ chứa nước Hàm Thuận Nam (Bình Thuận).
Còn khoảng 38.000 tỷ đồng để đầu tư các đoạn tuyến thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2. Số vốn còn lại khoảng 78,79 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, phải bàn kỹ định hướng, phương hướng tổ chức thực hiện như thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra. Trong đó, về thể chế, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, trước hết phải thể chế hóa kịp thời các chủ trương, định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
2 khuynh hướng phải khắc phục
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Đây là vấn đề rất lớn, nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, nhất là những vấn đề rất mới lần đầu tiên được đề cập và cả những vấn đề đã có nhưng được tiếp cận theo quan điểm mới như: cách mạng 4.0, các cơ chế thử nghiệm, phát triển đô thị, kinh tế đô thị… Cùng với đó, cần tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tiếp tục rà soát để sửa đổi, hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật, bao gồm cả các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quochoi.vn
"Chúng ta phải nhìn thẳng việc này, đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế gồm có luật, có nghị định, có thông tư, có văn bản hướng dẫn. Cấp nào là phải có trách nhiệm để rà soát để sửa; phải xác định là sửa cái gì, sửa thế nào. Trong khi hiện nay chúng ta chỉ kêu thôi mà không sửa gì cả", Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để tiếp tục sửa đổi hoàn thiện, bổ sung hệ thống thể chế bao gồm các luật, nghị định, thông tư, phải khắc phục 2 khuynh hướng: Một là bảo thủ, sai mà không sửa và hai là đổ thừa cho cơ chế. Trong đó, xu hướng thứ hai này dường như đang nổi lên rất mạnh.
Liên quan đến kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải đánh giá lại, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.
Đối với việc thực hiện Luật Quản lý thuế, chống thất thu, chống chuyển giá, giảm tỷ lệ nợ đọng, tổng kết thực hiện hóa đơn điện tử, giao dịch xuyên biên giới... Chủ tịch Quốc hội yêu cầu không lạm thu, nhưng phải bảo đảm công bằng, bình đẳng. Các luật thuế cần được sửa đổi để tạo dư địa nhiều hơn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, để doanh nghiệp phát triển, nuôi dưỡng nguồn thu.
Đối với đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia phải đẩy mạnh hơn nữa bởi "không chuẩn bị tốt, không có danh mục thì có tiền cũng không giao vốn được".