Vừa qua, hãng kiểm toán PwC đã lần đầu công bố báo cáo "Khảo sát Doanh nghiệp Gia đình 2021 – Góc nhìn Việt Nam" với mục đích định hướng phát triển của các doanh nghiệp gia đình đứng trước môi trường kinh doanh và xã hội đang thay đổi.
Báo cáo nêu rõ, các doanh nghiệp gia đình Việt Nam kỳ vọng trong 2 năm tới, tăng trưởng tăng trở lại, vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, 65% số doanh nghiệp gia đình Việt Nam tham gia khảo sát dự báo doanh nghiệp sẽ tăng trưởng trong năm 2021. Triển vọng cho năm 2022 tích cực hơn, với 33% lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng sẽ diễn ra nhanh và mạnh mẽ - cao hơn tỷ lệ ghi nhận được ở cấp độ khu vực là 28% và trên toàn cầu là 21%.
Với kỳ vọng này, báo cáo chỉ ra, mở rộng kinh doanh và ứng dụng công nghệ là những ưu tiên hàng đầu. 55% lãnh đạo doanh nghiệp gia đình khẳng định sẽ tập trung phát triển, đưa sản phẩm và dịch vụ mới ra thị trường; 52% cho biết sẽ ưu tiên tăng cường ứng dụng các công nghệ mới.
Trong bối cảnh đại dịch đang đánh dấu những thay đổi mang tính lâu dài, việc nhìn nhận lại hoặc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng là mối quan tâm ưu tiên đối với 52% doanh nghiệp được khảo sát.
Bên cạnh đó, sự chuyển dịch rõ nét của các doanh nghiệp gia đình theo hướng đa dạng hóa kinh doanh và có cơ cấu quản lý bởi nhân sự ngoài gia đình nhiều hơn. Mặc dù mô hình vận hành chủ yếu hiện nay của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là do chủ sở hữu hoặc gia đình quản lý (lần lượt 52% và 36%), nhưng điều này dự kiến sẽ thay đổi theo hướng thuộc sở hữu gia đình và được bên ngoài quản lý hoặc điều hành, với tỷ lệ tăng từ 12% năm nay lên 60% trong 5 năm tới.
Ngoài ra, 45% doanh nghiệp gia đình đang hướng tới các mục tiêu kinh doanh đa dạng hơn trong 5 năm tới; hơn một nửa (52%) doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát dự kiến thế hệ kế nghiệp sẽ trở thành cổ đông chính trong vòng 5 năm tới. Song, chỉ 36% doanh nghiệp cho hay đã định sẵn kế hoạch kế thừa một cách chính thức và minh bạch.
Đặc biệt, dù kết quả từ khảo sát cho thấy các doanh nghiệp gia đình chú trọng sáng kiến kỹ thuật số, đổi mới và công nghệ, nhưng tiến bộ đạt được trong những lĩnh vực này còn hạn chế. 30% doanh nghiệp được hỏi tự đánh giá là mạnh về kỹ thuật số, thấp hơn tỷ lệ trung bình toàn cầu là 38%. Chỉ 9% doanh nghiệp gia đình Việt Nam hoàn toàn tự tin vào năng lực số của mình.
PwC nhấn mạnh: "Sự chênh lệch này phần nào có thể được lý giải bởi mức độ kháng cự đối với thay đổi còn ở mức cao, với 67% các doanh nghiệp gia đình tham gia khảo sát, cao hơn đáng kể so với cấp độ khu vực là 29% và trên thế giới là 33%".