Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2021, top 5 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất châu Á gốm có: Trung Quốc (16.863 tỷ USD), Nhật Bản (5.103 tỷ USD), Ấn Độ (2.946 tỷ USD), Hàn Quốc (1.824 tỷ USD) và Indonesia (1.150 tỷ USD).
5 quốc gia này liên tục rót tiền đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua. Trong 8 tháng đầu năm 2022, trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á, Hàn Quốc là nền kinh tế rót nhiều tiền đầu tư vào Việt Nam nhất.
Cụ thể, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam khoảng 3,5 tỷ USD với 248 dự án cấp mới, xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng các quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhiều nhất trong 8 tháng đầu năm 2022.
Sau Hàn Quốc, Nhật Bản là nền kinh tế rót tiền đầu tư xếp thứ 2 vào Việt Nam trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Cụ thể, Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam khoảng 1,5 tỷ USD với 123 dự án cấp mới, xếp thứ 3 trong các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tổng vốn FDI từ 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Cùng với đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia đầu tư vào Việt Nam lần lượt khoảng 1,4 tỷ USD; 28,21 triệu USD và 12,98 triệu USD trong 8 tháng đầu năm 2022. Theo đó, Trung Quốc, Ấn Độ và Indonesia xếp thứ 4, 22 và 26 trong các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022.
Xét về lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đến tháng 8/2022, Hàn Quốc vẫn là nền kinh tế đầu tư nhiều tiền nhất vào Việt Nam trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam đạt khoảng 80,24 tỷ USD với 9.407 dự án tính đến tháng 8/2022. Theo đó, Hàn Quốc xếp thứ 1 trong các quốc gia có luỹ kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 8/2022.
Hiện nay, các nhà đầu tư Hàn Quốc tập trung rót vốn nhiều nhất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; đứng thứ hai là hoạt động kinh doanh bất động sản; tiếp theo là lĩnh vực lĩnh vực xây dựng; còn lại là những ngành khác.
Cùng với đó, Hàn Quốc hiện đã đầu tư tại hầu hết các tỉnh, thành của Việt Nam. Một số tỉnh, thành mà Hàn Quốc đã rót vốn đầu tư lớn là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Đồng Nai, Thái Nguyên và TP. HCM.
Luỹ kế tổng vốn FDI từ 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á vào Việt Nam đến tháng 8/2022. Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bên cạnh đó, Nhật Bản là nền kinh tế có luỹ kế tổng vốn đầu tư đến tháng 8/2022 vào Việt Nam xếp thứ 2 trong 5 nền kinh tế lớn nhất châu Á. Cụ thể, lũy kế tổng vốn đầu tư FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt khoảng 65,69 tỷ USD với 4.917 dự án tính đến tháng 8/2022. Theo đó, Nhật Bản xếp thứ 3 trong các quốc gia có luỹ kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 8/2022.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được sự quan tâm lớn nhất của nhà đầu tư Nhật Bản. Cùng với đó, Nhật Bản đã đầu tư vào hầu hết các tỉnh, thành tại Việt Nam nhưng tập trung tại các địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như Hà Nội, TP. HCM, Thanh Hóa và Đồng Nai.
Trung Quốc có lũy kế tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đạt khoảng 22,43 tỷ USD với 3.453 dự án tính đến tháng 8/2022. Trung Quốc hiện xếp thứ 6 trong các quốc gia có luỹ kế tổng vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam tính đến tháng 8/2022.
Trên thực tế, FDI của Trung Quốc có mặt tại hầu hết các tỉnh, thành Việt Nam. Tuy nhiên, các dự án này chủ yếu tập trung tại các tỉnh biên giới có khu kinh tế cửa khẩu, ven biển, các thành phố đông dân, có sức thu hút lao động mạnh, có cơ sở hạ tầng tốt, thuận lợi cho xuất, nhập khẩu hàng hóa cũng như đi lại giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Cùng với đó, Ấn Độ có luỹ kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 1,01 tỷ USD tính đến tháng 8/2022. Các dự án của Ấn Độ tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện; thứ ba là lĩnh vực khai khoáng.
Còn Indonesia có luỹ kế tổng vốn đầu tư vào Việt Nam đạt khoảng 620 triệu USD tính đến tháng 8/2022. Các dự án của Indonesia đầu tư vào Việt Nam có quy mô tương đối nhỏ.