Sáng 8/3, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, phiên tòa đã bị hoãn do vắng một số cá nhân, tổ chức liên quan.
Vụ án có liên quan đến vụ việc 7 ngân hàng cho xe bao vây xiết nợ kho hàng hai doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp Quất Động, Thường Tín, Hà Nội vào đầu tháng 5/2013. Đây là một trong các vụ ngân hàng xiết nợ doanh nghiệp từng gây xôn xao dư luận trong một thời gian dài.
Được biết, doanh nghiệp bị xiết nợ là Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu inox Châu Âu, Công ty CP Xuất nhập khẩu và Sản xuất Âu Mỹ. Do không trả được nợ, một ngân hàng đã cho ô tô đến kho hàng của hai công ty này để xiết nợ, thu tài sản bảo đảm là hàng tồn kho luân chuyển hình thành từ nguồn vốn vay.
Phát hiện “động tĩnh” của ngân hàng này, các ngân hàng còn lại lập tức cho hàng chục xe ô tô quây chặt kho hàng “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tình trạng nhân viên ngân hàng căng thẳng “canh” kho hàng và “canh” lẫn nhau 24/24h diễn ra liên tiếp vài ngày.
Cùng lúc đó, các ngân hàng đều có đơn trình báo cơ quan công an. Trong quá trình giải quyết, các ngân hàng đã thỏa thuận với nhau về tỷ lệ phân chia kho hàng. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng làm rõ sai phạm trong việc cho vay.
Theo đó, Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu inox Châu Âu do Lê Quốc Dương làm Tổng giám đốc được thành lập từ năm 2004. Đến năm 2011, Công ty này đã nợ các ngân hàng với số tiền vay đặc biệt lớn.
Vì vậy, Lê Quốc Dương đã thành lập các công ty khác nhờ người thân đứng tên giám đốc, đại diện theo pháp luật. Sau đó, Lê Quốc Dương lập khống các hợp đồng mua bán hàng hóa để đưa vào hồ sơ vay vốn ngân hàng, tài sản bảo đảm là hàng hóa (inox) được mua từ nguồn vốn vay.
Một số hợp đồng mua bán inox với các công ty khác là có thật, nhưng Dương chỉ dùng hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu nhập kho để làm hồ sơ. Còn inox - tài sản thế chấp - đã bị bán cho các công ty khác trước khi các ngân hàng giải ngân.
Khối lượng hàng hóa là inox thế chấp cho các ngân hàng rất lớn, hơn 5.400 tấn, nhưng thực tế hàng hóa trong kho chỉ có 632 tấn. Theo lời khai của bị cáo Lê Quốc Dương tại cơ quan điều tra, để che giấu việc thiếu hụt hàng hóa, Dương đã làm các cuộn inox giả để vào kho nhằm đối phó khi các ngân hàng đi kiểm tra.
Việc làm giả các cuộn inox diễn ra trong nửa năm, từ tháng 6/2012 đến tháng 12/2012. Có 930 cuộn inox được làm giả.
Trong đó, 532 cuộn inox giả được đưa về kho Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu inox Châu Âu, sử dụng 96 cuộn thế chấp cho Ngân hàng Quân đội, số còn lại được thế chấp cho 5 ngân hàng: Seabank, Techcombank, PGBank, LienVietPostBank và Navibank.
Có 398 cuộn inox giả được đưa về kho Công ty CP Xuất nhập khẩu và Sản xuất Âu Mỹ do Lê Thị Hồng Vân - chị gái của Lê Quốc Dương - làm giám đốc. Các cuộn inox giả này đã được Vân sử dụng đưa vào thế chấp cho 8 ngân hàng trong vụ án khác.
Do việc giải ngân của các ngân hàng theo nhiều khế ước, không cùng một thời điểm, nên khi cán bộ ngân hàng đi kiểm tra tài sản bảo đảm, Lê Quốc Dương dồn các cuộn inox đã dùng để thế chấp cho ngân hàng khác vẫn để chung kho cho đủ số lượng (một tài sản thế chấp cho nhiều ngân hàng).
Hàng hóa là các cuộn inox nguyên đai, nguyên niêm phong và được Dương dồn lại cho đủ số lượng, nên khi kiểm tra, cán bộ ngân hàng không phát hiện hàng thiếu, hàng giả.
Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, Dương khai đã sử dụng để đầu tư nhà xưởng, máy móc, mua phương tiện vận tải, mua bất động sản, trả lãi cho các ngân hàng, trả lãi vay ngoài... Tuy nhiên, bị cáo này không trình ra được bằng chứng.
Tổng số tiền nợ gốc của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu inox Châu Âu là 204 tỷ đồng. Trong đó, Seabank bị chiếm đoạt hơn 80 tỷ đồng, LienVietPostBank bị chiếm đoạt gần 35 tỷ đồng, PG Bank gần 30 tỷ đồng, Navibank gần 45 tỷ đồng, Techcombank là hơn 14 tỷ đồng.
Theo dự kiến, cuối tháng 3/2018, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử vụ án.