Nhờ vào dân số gần đạt 100 triệu dân, Việt Nam là một thị trường vô cùng lớn và có thể trở thành một bước đệm giúp các doanh nghiệp có sự chuẩn bị trước khi vươn xa hơn. Do vậy, ông Hùng Linh cho rằng nhóm kinh doanh đầu tiên bùng nổ trong năm 2020 là những ngành tận dụng được thị trường. Cụ thể như các ngành hàng tiêu dùng, bán lẻ.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, đây còn là thị trường cho nghệ thuật, giải trí, giáo dục. "Đó là nhũng ngành kinh doanh có nhu cầu rất lớn nhưng dịch vụ và chất lượng hàng hoá còn hạn chế", ông Linh nói.
Nhóm thứ hai là du lịch và những ngành phát triển được hưởng lợi từ du lịch. Theo ông Linh, các con số gần đây cho thấy thị trường du lịch của Việt Nam rất hấp dẫn với lượng khách chủ yếu đến từ Trung Quốc (đã tăng trưởng trở lại sau 1 thời gian giảm).
Khi khách du lịch tăng thì các sản phẩm dịch vụ tăng – ông Linh nói và cho biết GDP của lĩnh vực lưu trú và ăn uống là tăng xấp xỉ bằng GDP của cả nước.
Bên cạnh các dịch vụ ăn uống, lưu trú, thì bán lẻ tại các điểm đô thị du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng… cũng tăng trưởng rất tốt. "Khách Trung Quốc đến đấy mua hàng, do chi phí lao động thấp nên giá hàng hoá ở đây thấp hơn Trung Quốc từ 20 – 30%", ông nói.
"Sắp tới chúng ta sẽ có thêm nhiều trung tâm du lịch mới cũng như nới lỏng hơn về điều kiện cấp visa thì cần chú ý thêm các ngành này".
Nhóm thứ ba là vận tải, logistics. Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng trở lại của vận tải và điều này được ông Hùng Linh nhận xét là khác so với thời điểm 2012-2013.
"Tăng trưởng của ngành kho bãi cứ năm sau tăng cao hơn năm trước. Quý III này là cao nhất trong những năm trở lại đây", ông cho biết.
Nguyên nhân lớn là do tăng trưởng xuất nhập khẩu trong những năm gần đây đã tạo ra lưu lượng hàng hoá giao thương.
Thị trường logistic theo ông Linh là khá màu mỡ bởi các doanh nghiệp nước ngoài chưa hiện diện nhiều, đặt trong bối cảnh thương mại điện tử bùng nổ khiến nhu cầu chuyển phát nhanh tăng cao.
Ngành thứ tư là xây dựng và vật liệu xây dựng. Vị chuyên gia này cho biết GDP của ngành xây dựng và vật liệu đang cao hơn GDP trung bình.
Năm 2020 ngành này sẽ có sự tăng trưởng cao hơn – ông Linh nhấn mạnh. Nguyên nhân trong 2 qua tốc độ giải ngân đầu tư công rất thấp nhưng ở thời điểm hiện tại và tiến đến 2020 sẽ tăng mạnh hơn nhờ vào việc tháo gỡ rào cản pháp lý. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI và từ tư nhân đổ mạnh vào nền kinh tế sẽ tạo ra bước đệm rất lớn cho hàng hoá cho ngành này.
Ngành cuối cùng được ông Linh nhắc đến là nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ cho nông nghiệp.
"Năm 2019 tăng trưởng của ngành có chậm lại vì khô hạn nhưng thường sau 1 năm hạn hán thì năm sau thời tiết thường tốt hơn, kéo theo những ngành liên quan khác cũng sẽ tích cực hơn", ông Linh nói. Những ngành liên quan ví dụ như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…