Trong báo cáo thị trường tháng 3, Chứng khoán An Bình (ABS) đánh giá chứng khoán Việt Nam không nằm ngoài guồng quay của thị trường chứng khoán thế giới khi VN-Index 2 tháng đầu năm liên tục giằng co, dao động biên độ hẹp. Đặc biệt, những diễn biến kém tích cực đó đã khiến tâm lý NĐT trở nên thận trọng khiến thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Về kịch bản thị trường tháng 3, ABS đánh giá VN-Index có thể tiếp tục giằng co, dao động trong biên độ 1.450-1.535 điểm. Thị trường có thể tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức đến từ xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có hồi kết làm dấy lên áp lực lạm phát khi giá cả các hàng hóa tiếp tục "leo thang", làm tăng áp lực lạm phát cho các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Cuộc họp FED dự kiến diễn ra vào giữa tháng 3/2022 với khả năng FED sẽ lần đầu tăng lãi suất ngay trong tháng 3/2022 nhằm kiềm chế lạm phát. Nhóm phân tích ABS cho rằng yếu tố này đã phần nào tác động tâm lý thị trường trong thời gian qua nên mức độ ảnh hưởng thời gian tới có thể không lớn. Bên cạnh đó, việc giá dầu tăng mạnh do xung đột Nga-Ukraine có thể phần nào ảnh hưởng tới quyết định của FED. Các quỹ ETF cơ cấu danh mục vào tuần thứ 3 của tháng 3/2022 cũng phần nào ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư.
Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố hỗ trợ thị trường phải kể đến như Chính phủ có thể thúc đẩy tiến độ triển khai gói kích thích kinh tế & đẩy mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp sẽ hé lộ dần kết quả kinh doanh quý 1/2022 và các doanh đang hướng tới mùa ĐHĐCĐ với kế hoạch kinh doanh năm 2022 dần lộ diện.
5 nhóm ngành triển vọng
Về những chủ đề đầu tư trong tháng 3, ABS vẫn duy trì quan điểm tích cực với nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ giá cả hàng hóa tăng cao, nhóm ngành hưởng lợi từ sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và nhóm ngành hưởng lợi từ đầu tư công.
Thứ nhất, nhóm ngành ngân hàng. ABS đánh giá tích cực về triển vọng của nhóm này với những thông tin về việc tăng vốn, nới room ngoại cũng như động thái chuyển sàn của một số nhà băng sẽ là động lực giúp cổ phiếu ngân hàng bật tăng trở lại, dẫn dắt thị trường. Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào sự hồi phục kinh tế cùng gói kích thích của Chính phủ. Mặt khác, áp lực cải thiện NIM đang dần đè nặng và áp lực nợ xấu của ngân hàng có nguy cơ gia tăng và sẽ dần lộ rõ bản chất khi TT (01, 03 và 14) về cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực có thể là thách thức cho nhóm ngân hàng.
Thứ hai, nhóm chứng khoán. Đội ngũ phân tích cho rằng chứng khoán sẽ là nhóm ngành hưởng lợi lớn từ bùng nổ thanh khoản. Tuy ngành chứng khoán nhiều khả năng sẽ giảm nhiệt so với năm 2021 vì có nhiều áp lực từ kiềm chế lạm phát, song nhìn chung vẫn là kênh đầu tư tiềm năng. Áp lực rút vốn khối ngoại không còn nhiều và sự chuyển dịch dòng tiền sang thị trường mới nổi và thị trường cận biên có thể xảy ra do tương quan hấp dẫn giữa tăng trưởng và định giá hợp lý.
Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch chứng khoán mới (KRX) dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2022 sẽ góp phần giải quyết điểm nghẽn về tỷ lệ ký quỹ giao dịch bằng tiền mặt, từ đó có thể thúc đẩy dòng vốn nước ngoài trở lại Việt Nam.
Thứ ba, nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng. Việc hưởng lợi từ đầu tư công sẽ là điểm sáng cho nhóm ngành này trong thời gian tới. Theo đó, việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh đầu tư công cùng những gói hỗ trợ về phục hồi kinh tế, đặc biệt GDP được dự báo tăng 6,5% - 7% trong năm 2022 không chỉ tạo cơ hội cho các dự án đầu tư trong lĩnh vực bất động sản mà còn cả những công trình khác về hạ tầng kỹ thuật, văn hoá, xã hội,...
Thứ tư, nhóm ngành thuỷ sản. Dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 9,2 tỉ USD, tăng khoảng 3, 5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tôm và cá tra tiếp tục là điểm sáng của ngành.
Theo VASEP, dự báo XK tôm năm 2022 của VN sẽ tăng khoảng 10%, đạt 4,3 tỷ USD, trong khi đó kim ngạch xuất khẩu cá tra dự báo đạt trên 1,6 tỷ USD. Giá cá tra & giá tôm dự báo tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao trong quý 1/2022 & cả quý 2/2022 này do tình trạng thiếu nguyên liệu và nhu cầu phục hồi tại các thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, ngành thủy sản của VN cũng được hưởng lợi từ các Hiệp định thương mại như EVFTA & UKVFTA…
Song song đó, ngành thủy sản cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức như: giá thức ăn cho tôm & cá tăng cao, chi phí vận chuyển logistics tăng, giá dầu tăng làm tăng chi phí vận chuyển, cũng như áp lực cạnh tranh từ các nước XK khác như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia…
Thứ năm, ngành cảng biển. Hoạt động giao thương xuất nhập khẩu là động lực chính cho ngành tăng trưởng. Theo đánh giá từ ABS, ngành có thể hưởng lợi từ các Hiệp định FTAs: Hiệp định CPTPP, RCEP, EVFTA, UKVFTA....Nguồn vốn FDI vào Việt nam đạt mức tăng trưởng kép trên 8% trong giai đoạn 2014-2021, giúp tăng sản lượng hàng hóa qua cảng biển.
Bên cạnh đó, việc giá dịch vụ xếp dỡ tại cảng có thể sẽ tăng 10% trong giai đoạn 2022-2024 tùy từng Khu vực cảng sẽ góp phần gia tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp cảng biển.