Ngày 15/3, chia sẻ với PV báo Tiền Phong về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV), ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai nhiều giải pháp và tăng trưởng tín dụng với DNNVV trên địa bàn thành phố.
Cụ thể, triển khai chính sách cho vay ngắn hạn bằng VND đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay gói hỗ trợ 2% lãi suất theo Nghị định 31 của Chính phủ và các chương trình kích cầu của UBND TPHCM; cho vay lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn theo Nghị định 51 của Chính phủ và các chương trình tín dụng khác của ngân hàng Trung ương theo ngành, lĩnh vực.
Ngân hàng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tiếp tục cải cách hành chính, quy trình và thủ tục giao dịch gắn với mô hình quản lý, quản trị mới, ứng dụng công nghệ ngân hàng hiện đại trong hoạt động và tinh thần chuyển đổi số ngành ngân hàng, nhằm tạo tiện ích tối đa cho doanh nghiệp nói chung và DNNVV nói riêng trong giao dịch với ngân hàng, đồng thời rút ngắn thời gian giao dịch, thời gian xử lý hồ sơ… qua đó trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thời gian, chi phí khác có liên quan.
“Chính sách cho vay ngắn hạn bằng VND với lãi suất ưu đãi đã trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp và có tác động tích cực không chỉ đến tăng trưởng và phát triển của DNNVV trong hoạt động sản xuất kinh doanh mà cả về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu chính sách và xu hướng phát triển” - ông Lệnh nhìn nhận.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, tín dụng cho vay đối với DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung hàng năm trên địa bàn. Tín dụng đối với DNNVV trên địa bàn năm 2022 đạt gần 900.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2018. Bình quân tăng 26%/năm, trong khi đó tăng trưởng tín dụng chung trên địa bàn bình quân tăng 11%/năm trong 5 năm qua.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa mong được tiếp cận nhiều nguồn vốn ưu đãi để phục hồi sản xuất.
Dư nợ cho vay bằng VND chiếm trên 96% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nhóm doanh nghiệp này và dư nợ ngắn hạn chiếm gần 50% tổng dư nợ tín dụng đối với DNNVV trên địa bàn thành phố. Trong đó, dư nợ cho vay nhóm ngành thương mại, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 67%”.
Cơ chế chính sách về tiền tệ tín dụng và lãi suất của ngân hàng Trung ương đã trực tiếp hỗ trợ DNNVV, đặc biệt trong mỗi giai đoạn khó khăn của nền kinh tế: ảnh hưởng khủng hoảng toàn cầu, thiên tai dịch bệnh… Trong đó, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và cho vay mới với lãi suất thấp theo cơ chế Thông tư 01, 02 và Thông tư 14 để hỗ trợ DN vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp DN trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch phục hồi và tăng trưởng trở lại nhanh chóng trong năm 2022.
“Riêng vay ngắn hạn bằng VND cho 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên, gồm: Xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; DNNVV; công nghiệp hỗ trợ và DN ứng dụng công nghệ cao… với lãi suất trần ưu đãi, dư nợ của DNNVV luôn chiếm tỷ trọng cao nhất, lên tới khoảng 68-70% tổng dư nợ tín dụng đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực này” – ông Lệnh cho hay.