Những nhịp hồi trong phiên sáng tưởng chừng sẽ mang lại sắc thái tích cực cho thị trường, song nhà đầu tư vẫn phải thất vọng vì đà giảm vẫn chưa kết thúc. Lực bán tháo dồn dập trong phiên chiều "thổi bay" gần 23 điểm của chỉ số, VN-Index tiếp tục dò đáy ở mốc 1.384 điểm. Phiên giảm điểm 20/4 đã tiếp tục "thổi bay" gần 86.410 tỷ đồng vốn hóa của sàn HoSE, giá trị còn lại khoảng 5.488.425 tỷ đồng.
Như vậy, thị trường chứng khoán đã bước sang phiên thứ 5 giảm điểm liên tiếp. Chuỗi giảm liên tiếp này "thối bay" gần 140 điểm của chỉ số, vốn hoá sàn HoSE đã bị sụt giảm tới 366.185 tỷ đồng, tương ứng gần 16 tỷ USD. Tâm lý nhà đầu tư đang khá bi quan bởi không biết khi nào chuỗi giảm này mới có thể dừng lại. Thậm chí, cay đắng hơn là những nhà đầu tư tham gia "bắt đáy" trong phiên sáng đã sập bẫy bull trap khi thị trường "quay xe" trong phiên chiều.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đà bán tháo mạnh mẽ, song nguyên nhân lớn nhất được cho là đến từ áp lực bán giải chấp cổ phiếu. Áp lực call margin trên diện rộng khiến đà bán tháo dồn dập bung ra trong phiên chiều. Bên cạnh bão tin đồn khiến tâm lý nhà đầu tư rất nặng nề, áp lực lạm phát tăng lãi suất cũng khiến thị trường bị ảnh hưởng tiêu cực. Song dù là nguyên nhân nào thì những phiên giao dịch gần đây cũng là những "ngày đen tối" với đa số nhà đầu tư khi nhìn tài khoản "bốc hơi" trong vô vọng.
Đây là phiên đánh dấu chuỗi giảm giá dài nhất từ hồi tháng 6/2020, song mức độ giảm trong đợt này khốc liệt hơn khi VN-Index hôm nay đã thủng mốc 1.400 điểm. Theo đó, vào thời điểm tháng 6/2020, thị trường từng chứng kiến 6 phiên sụt giảm liên tiếp, song mức độ giảm không mạnh, chỉ xấp xỉ 40 điểm.
Nhìn lại lịch sử, cú rơi vào tháng 3/2020 từng khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng, VN-Index bốc hơi hơn 230 điểm trước áp lực bán tháo dồn dập của nhà đầu tư bởi nỗi lo về sự xuất hiện của dịch Covid-19. Dù tâm lý bi quan bao trùm thị trường thời điểm đó, song vẫn xuất hiện những nhịp hồi phục đan xen "đỡ" chỉ số.
Sang đến năm 2021 – một năm thăng hoa của VN-Index cũng từng chứng kiến nhiều pha "đổ đèo" mạnh. Tuy nhiên, đà giảm chỉ kéo dài 2 -3 phiên và nhanh chóng lấy lại thăng bằng nhờ những phiên hồi phục mạnh mẽ.
Thực tế lịch sử đã chứng minh sau mỗi cú giảm sâu, thị trường vẫn sẽ tiếp tục đi lên mạnh mẽ. Tuy những thông tin tiêu cực có thể ảnh hưởng tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Song theo giới chuyên gia, nhìn về dài hạn việc xử lý vi phạm, thanh lọc thị trường sẽ là thông tin tích cực tạo tiền đề giúp thị trường phát triển ổn định và bền vững.
Khi sóng gió qua đi, sự tập trung của thị trường sẽ quay trở lại với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và sức khoẻ của nền kinh tế. Dòng tiền sẽ quay trở lại từ những doanh nghiệp có yếu tố nội tại tốt, định hướng phát triển dài hạn và có mức định giá rẻ và hấp dẫn.
Do đó, với những nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn, giới chuyên gia vẫn cho rằng những nhịp điều chỉnh ngắn hạn lại là cơ hội tốt để mua cổ phiếu. Tuy nhiên, lời khuyên quan trọng nhất cho nhà đầu tư ở thời điểm hiện tại vẫn là việc ưu tiên quản trị rủi ro danh mục, hạn chế sử dụng margin. Trong trường hợp lượng margin cao, nhà đầu tư nên chủ động hạ xuống mức an toàn để tránh trường hợp "margin call" dẫn tới thiệt hại trên danh mục.
Cũng đưa ra quan điểm, ông Bùi Văn Huy- Giám đốc môi giới Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đánh giá mức độ rủi ro của thị trường trong ngắn hạn khá lớn khi thông tin tiêu cực bủa vây trong khi thiếu vắng yếu tố tích cực. Do đó, nhà đầu tư nên cẩn thận với "bẫy tăng giá" – Bull Trap có thể xuất hiện. Do đó thay vì cố gắng đoán đáy hay đoán đỉnh, nhà đầu tư cần đưa việc quản trị rủi ro lên hàng đầu. Bên cạnh đó, cần tránh những tín hiệu hồi phục giả không đáng tin cậy.