Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank – Mã: SSB) vừa thông báo giao dịch của người nội bộ. Theo đó, 5 Phó Tổng Giám đốc SeABank đăng ký bán tổng cộng gần 12 triệu cổ phiếu SSB cùng lý do "giảm tỷ lệ sở hữu". Tất cả các giao dịch này dự kiến được thực hiện từ ngày 28/7 đến ngày 26/8, thông qua hình thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.
Cụ thể, ông Vũ Đình Khoán đăng ký bán 2.966.889 cổ phiếu, bà Đặng Thị Thu Trang đăng ký bán 116.400 cổ phiếu; ông Lê Quốc Long đăng ký bán 2.976.389 cổ phiếu; ông Hoàng Mạnh Phú đăng ký bán 3.007.389 cổ phiếu và bà Nguyễn Ngọc Quỳnh đăng ký bán 2.919.389 cổ phiếu.
Tạm tính giá đóng cửa phiên hôm qua (26/7) là 31.650 đồng, 5 lãnh đạo SeABank có thể thu về gần 380 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, vào đầu tháng 7, bà Nguyễn Thị Nga – Phó Chủ tịch SeABank, mẹ đẻ bà Lê Thu Thuỷ - Phó Chủ tịch HĐQT - đã đăng ký mua vào 2,8 triệu cổ phiếu SSB theo phương thức thoả thuận hoặc khớp lệnh trong thời gian từ ngày 11/7 - 8/8. Nếu thành công, bà Nga sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên hơn 68,1 triệu cổ phiếu, tương đương gần 3,44% vốn SeABank. Bà Lê Thu Thuỷ đang sở hữu gần 47,6 triệu cổ phiếu SSB, tương đương 2,4% cổ phần ngân hàng.
Giao dịch của các ''sếp'' SeABank diễn ra trong bối cảnh ngân hàng này chuẩn bị phát hành 59,4 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho Người lao động (ESOP) năm 2022. Thời gian phát hành dự kiến là trong quý III/2022.
Ở một diễn biến khác, mới đây, SeABank có quyết định thay đổi chức vụ Tổng Giám đốc. Theo đó, bà Lê Thu Thuỷ thôi làm Tổng Giám đốc. Thay vào đó, Phó Tổng Giám đốc Faussier Loic Michel Marc được Hội đồng quản trị SeABank cử phụ trách điều hành từ ngày 11/7 và bà Lê Thu Thuỷ vẫn đảm nhiệm cương vị Phó chủ tịch hội đồng quản trị.
Kết thúc nửa đầu năm, SeABank ghi nhận lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 2.806 tỷ đồng, tăng trưởng 80% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 115% kế hoạch nửa đầu năm năm 2022. Tổng tài sản của SeABank đến cuối tháng 6 đạt 229.723 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm từ 1,65% tại thời điểm 31/12/2021 xuống còn 1,6%.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, SeABank đã phát hành 211,4 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 12,7%) để trả cổ tức và phát hành thêm 109,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 6,6%) để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thông qua 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của SeABank tăng thêm 3.211 tỷ đồng, từ 16.598 tỷ đồng lên 19.809 tỷ đồng.
Sau khi phát hành ESOP, SeABank còn có lộ trình tăng vốn điều lệ từ 20.403 tỷ đồng lên 22.690 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, hoặc chào bán ra công chúng cho cổ đông hiện hữu 228,7 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 13,78% vốn điều lệ hiện tại). Hình thức chào bán sẽ được quyết định cụ thể tại thời điểm triển khai. Như vậy, theo kế hoạch đến hết năm 2022, SeABank sẽ hoàn thành tăng vốn điều lệ lên 22.690 tỷ đồng.