1. BVH bán 5,91% vốn cho Sumitomo Life, thu về 4.012 tỷ đồng
Ngày 18/12/2019, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) công bố đã bán 41 triệu cổ phần, tương đương 5,91% vốn điều lệ cho Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Sumitomo (Sumitomo Life), thu về 4.012 tỷ đồng (tương đương 173 triệu USD). Sau thương vụ này, vốn điều lệ của BVH nâng lên 7.423 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu của Sumitomo Life cũng nâng từ 17,48% lên 22,09% sau 7 năm hợp tác.
Thành công của thương vụ vừa thể hiện thiện chí hợp trong dài hạn của hai bên, vừa cho thấy lĩnh vực tài chính - bảo hiểm Việt Nam đang hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản, cũng như nhiều nhà đầu tư quốc tế khác.
Số tiền thu được từ Sumitomo Life sẽ giúp BVH tập trung nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng đối với các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ.
2. FWD hợp tác với Vietcombank, kênh Bancas thành "ngôi sao mới"
Ngày 12/11/2019, Tập đoàn Bảo hiểm FWD đã ký thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm (bancassurance) thời hạn 15 năm với Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank).
Trong một phần của thỏa thuận, FWD đồng ý mua lại Công ty Liên doanh Bảo hiểm nhân thọ Vietcombank – Cardif, nhưng giá mua chưa được tiết lộ. Có nguồn tin cho rằng, giá trị thương vụ này vào khoảng 400 triệu USD, nhưng theo hãng tin Bloomberg, số tiền này có thể lên đến 1 tỷ USD.
Đây là thỏa thuận về bancassurance lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay, mở ra cơ hội lớn cho hai bên.
Với Vietcombank, thông qua giao dịch này hướng tới ngân hàng phân phối bảo hiểm số một trên thị trường Việt Nam, còn với FWD là cơ hội tiếp cận hàng triệu khách hàng thông qua gần 600 chi nhánh, phòng giao dịch của Vietcombank.
Trước đó, thị trường đã chứng kiến nhiều cuộc "kết duyên" đình đám giữa bảo hiểm và ngân hàng như Prudential hợp tác với Shinhan Bank, PVcombank, UOB; Manulife bắt tay với SCB, hay Generali hợp tác với OCB…
Kênh bancassurance ước chiếm khoảng 30% tổng doanh thu phí của các công ty bảo hiểm và chiếm khoảng 70% lãi ròng của các ngân hàng. Việc ngân hàng tham gia tích cực vào mảng phân phối bảo hiểm nhân thọ cho thấy sức hấp dẫn đặc biệt của kênh này.
Như 1 "ngôi sao mới", nhưng 1 số chuyên gia và nhà hoạch định chính sách cũng bày tỏ chút lo ngại về sự tăng trưởng quá nóng có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
3. Phụ trợ bảo hiểm chính thức có cơ sở pháp lý, nghề tư vấn bảo hiểm độc lập được nhà nước công nhận
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm ban hàng tháng 6/2019 và chính thức có hiệu lực từ 1/11/2019 với dấu mốc lớn là hoàn thiện khung pháp lý về phụ trợ bảo hiểm và nghề tư vấn viên độc lập được Nhà nước công nhận.
Một số doanh nghiệp phụ trợ bảo hiểm đã phát triển, khẳng định thương hiệu có thể kể tới như TILA, VICS-CORP, ebaohiem, ibaohiem, Itmedia …
Với Thông tư 65/2019-TT-BTC của Bộ Tài chính, việc đưa thị trường dịch vụ phụ trợ bảo hiểm vào khuôn phép giúp chấn chỉnh tình trạng mất cân đối trong thương lượng giữa khách hàng và doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo đó, khách hàng có thể thương lượng, đàm phán hợp đồng bảo hiểm thông qua đại diện của mình là tư vấn viên bảo hiểm.
Ngoài ra, việc quy định nghiệp vụ giám định bồi thường là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải sát hạch lấy chứng chỉ cho thấy cơ quan quản lý nhà nước quyết tâm xử lý tình trạng các công ty giám định độc lập "tự tung tự tác" thời gian qua và không "hoàn toàn độc lập".
4. Điều chỉnh cách tính lãi suất dùng để tính dự phòng nghiệp vụ, bớt áp lực cho nhà bảo hiểm
Ngày 2/1/2019, Thông tư 01/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 50/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính được ban hành và đã điều chỉnh cách tính lãi suất dùng để tính dự phòng nghiệp vụ, giảm gánh nặng dự phòng toán học của các công ty bảo hiểm nhân thọ.
Tuy nhiên, do danh mục đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đa phần là trái phiếu, nếu lãi suất trái phiếu giảm thì nguồn tư từ khoản đầu tư này cũng sẽ giảm, đặc biệt là các doanh nghiệp bảo hiểm từng bán nhiều sản phẩm hỗn hợp.
Bởi vậy, các công ty này đã cho ra đời các sản phẩm bảo hiểm ít phụ thuộc vào sự biến động của lãi suất, chuyển hướng sang trái phiếu doanh nghiệp và các loại hình đầu tư khác như cổ phiếu… để tăng lợi nhuận.
5. Nổi cộm tranh chấp bảo hiểm xe liên quan đến thông số lốp
Năm qua, các công ty bảo hiểm/công ty tư vấn dịch vụ bảo hiểm nhận được nhiều phản hồi của khách hàng về việc công ty bảo hiểm từ chối bồi thường với lý do thông số lốp xe của khách hàng tại thời điểm xảy ra tổn thất có sự sai lệch so với thông số ghi nhận trên giấy chứng nhận kiểm định đã cấp cho xe, trong khi yếu tố này chưa đủ căn cứ pháp lý để áp dụng, gây bức xúc cho khách hàng...
Về tính hiệu lực của giấy đăng kiểm, theo quy định tại Mục đ, Khoản 6, Điều 9 - Thông tư 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định hết hiệu lực khi thông số kỹ thuật thực tế của xe không phù hợp với thông số kỹ thuật trên giấy chứng nhận kiểm định.
Do đó, khi thông số lốp lúc xe gặp tai nạn không trùng khớp với thông số ghi trên giấy chứng nhận kiểm định, nhà bảo hiểm sẽ kết luận xe mất hiệu lực đăng kiểm và từ chối bồi thường với lý do đây là lỗi thuộc phạm vi loại trừ bảo hiểm.
Có ý kiến cho rằng, việc lấy lý do sai thông số lốp để từ chối bồi thường trong một số trường hợp còn cho thấy dấu hiệu gian lận của công ty bảo hiểm.