Ngày 12/5, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (GIC/AHK Việt Nam) công bố kết quả khảo sát đánh giá niềm tin doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư chiến lược
Theo GIC/AHK Việt Nam, tuy chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế năm 2020 (đạt 2,9%) và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng ở ngưỡng 7,5% trong năm 2021.
Việc triển khai hiện thực hóa Hiệp định EVFTA và CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng 3,2% trong giai đoạn 2021-2030. Việt Nam sẽ trở thành điểm đến đầu tư chiến lược trong quá trình tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, là một thị trường tiềm năng thu hút các tập đoàn quốc tế đến đầu tư.
Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khối các nước Đông Nam Á. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Đức thể hiện sự lạc quan về nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn, đồng thời có đánh giá tích cực và kỳ vọng vào nền kinh tế cũng như tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam. Họ kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong 12 tháng tới.
Kết quả khảo sát cho thấy, nếu như năm ngoái chỉ có 46% doanh nghiệp Đức nhìn nhận một cách tích cực vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thì năm nay, 66% trong số họ dự kiến nền kinh tế sẽ cải thiện đáng kể vào năm 2021. Một phần ba số người tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trong nửa đầu năm nay, trong khi 30% nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra vào năm 2022.
Theo GIC/AHK Việt Nam, những kết quả này cho thấy Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách và chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ nhằm chống lại tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, qua đó đưa nền kinh tế tăng trưởng trở lại sớm nhất có thể.
Chính phủ Việt Nam cũng đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài; việc thực hiện các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút nhiều nhà đầu tư hơn vào Việt Nam. Việt Nam đã và đang triển khai một số hoạt động và biện pháp hiệu quả nhằm đạt được mục tiêu kép: thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh trong điều kiện "bình thường mới" của Việt Nam.
47% các công ty Đức tại Việt Nam có xu hướng mở rộng hoạt động kinh doanh
Đánh giá về tình hình doanh nghiệp Đức hiện tại và xu hướng phát triển 12 tháng tới, 55,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh hiện tại của họ ở Việt Nam là phát triển tốt, 34,2% hài lòng và chỉ khoảng 10,5% không hài lòng. Phần lớn trong số họ kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tốt hơn đáng kể so với năm 2020.
So sánh kết quả này với số liệu năm 2020 cho thấy, doanh nghiệp Đức đã lạc quan hơn về sự phát triển của doanh nghiệp mình, chỉ có 36% doanh nghiệp nhìn nhận tích cực về tình hình kinh doanh ở Việt Nam (năm 2020). Điểm cân bằng tăng từ 13 điểm (năm 2020) lên 44 điểm (năm 2021). Xếp hạng phát triển doanh thu tích cực năm nay tăng từ 36% (năm 2020) lên 55% (năm 2021), xếp hạng giảm thiểu doanh thu giảm từ 23% (năm 2020) xuống 11% (năm 2021).
Vì những kỳ vọng tích cực của kinh tế Việt Nam cũng như những lạc quan về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp Đức tham gia khảo sát cho biết sẽ mở rộng đầu tư và tăng cường tuyển dụng nhân sự trong 12 tháng tới. Cụ thể, có 47% các công ty Đức tại Việt Nam có khuynh hướng mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và 50% trong số họ có ý định sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong năm 2021/2022, hơn 40% doanh nghiệp giữ nguyên lượng nhân sự hiện có và chỉ có chưa đến 10% doanh nghiệp có dự định giảm nhân sự.
Kỳ vọng của doanh nghiệp về sự phát triển của công ty trong 12 tháng tới, có 73,7% doanh nghiệp trả lời sẽ tốt lên, 26,3 cho rằng ổn định, không có doanh nghiệp nào cho rằng sẽ giảm đi. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cho biết, thiếu hụt lao động có trình độ và nhu cầu tiêu dùng giảm là những thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư Đức tại Việt Nam.
Nếu như trong năm 2020, chỉ có 18% doanh nghiệp Đức cho rằng họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực chất lượng cao thì năm 2021, con số này đã lên tới 42 %. Một số vấn đề khác như nhu cầu tiêu dùng giảm (42%) và chính sách kinh tế (36%) đang trở thành những thách thức hay rào cản đối với doanh nghiệp của họ. Tiếp cận nguồn tài chính, an toàn về mặt pháp lý, cơ sở hạ tầng cũng là các yếu tố ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam.
Khảo sát cũng cho thấy, đại dịch đã làm ảnh hưởng và gây suy giảm nghiêm trọng đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, nhu cầu người tiêu dùng đối với các sản phẩm và dịch vụ giảm, việc hủy bỏ các hội chợ và sự kiện thương mại đã làm ảnh hưởng lớn đến "sức khỏe" của doanh nghiệp.