Phân tích về những đóng góp của FDI trong phiên thảo luận tại QH về kinh tế, xã hội ĐB Phạm Trọng Nhân phân tích: sau 25 năm khu vực này góp phần tăng trưởng GDP từ 2% (năm 1992) lên 20% (năm 2016), giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động và góp bình quân thu nhập đầu người hơn 2000 USD...
Tuy nhiên, bất cập được ông Nhân chỉ ra là khu vực FDI chỉ góp vào ngân sách 15-17%. Điều đáng nói nữa là trong giai đoạn 2011 – 2015 có 50% doanh nghiệp FDI kê khai lỗ và càng lỗ lại càng mở rộng sản xuất.
Trích dẫn số liệu từ Oxfarm, ông Nhân nói mỗi năm các quốc gia nghèo, trong đó có Việt Nam thất thu 170 tỷ USD do chuyển giá. Bên cạnh đó, 80% khoản thu của doanh nghiệp ngoại được nộp về chính quốc, chỉ 20% số này góp vào thuế thu nhập doanh nghiệp song với số doanh nghiệp báo lỗ lớn thì “số thu này gần như bằng 0”.
“Điều này lý giải kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia, hiệu quả mang lại nền kinh tế chưa cao”, ông Nhân nhận xét.
Một bất cập khác cũng được ông Nhân chỉ ra là, trong khi chúng ta đưa ra nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp ngoại thì vẫn còn những rào cản với doanh nghiệp trong nước.
“Nếu không đơn giản hoá thủ tục hành chính sẽ khiến 1 triệu doanh nghiệp thành lập mới vào năm 2020 chỉ có ý nghĩa về mặt con số”, ông nói và kiến nghị, không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà phải chọn lọc, đưa ra cam kết chuyển giao công nghệ, tỷ lệ nội địa hoá chặt chẽ hơn với doanh nghiệp FDI.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) thì cho rằng, việc thu hút các tập đoàn FDI lớn như Samsung, Formosa nhưng phải xem doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị này đạt đến đâu, giá trị nội địa đến đâu?
Ông Hải cũng đề nghị cần quan tâm xúc tiến đầu tư, tập trung xây dựng mạng lưới phân phối, nếu có mạng lưới tốt thì mới tránh được tình trạng giải cứu nông sản ồ ạt như gần đây.