Phát biểu trong phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (đặc khu) diễn ra chiều nay 22-11, Đại biểu (ĐB) Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đặc biệt nhấn mạnh đến mục tiêu và cách hình thành các đặc khu bởi đây chính là yếu tố dẫn đến thất bại của nhiều quốc gia, tỉ lệ thành công của các đặc khu trên thế giới chỉ là 50-50.
Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, tại thời điểm này, Việt Nam đã có chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Do đó, đã cấp phép dự án đầu tư vào đặc khu là phải tạo nội lực cho Việt Nam. "Chúng ta nói cùng có lợi nhưng được 10 đồng, họ lợi 8 đồng để cho ta 2 đồng là không được". Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư phải đảm bảo bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia, bảo vệ bản sắc văn hoá Việt Nam. Nhà đầu tư (NĐT) nào đáp ứng được các điều kiện nói trên mới cho làm. Nếu cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật, chúng ta có quyền có ý kiến và thu hồi dự án.
"Dự thảo Luật quy định thời hạn cấp đất tối đa 99 năm. Xin hỏi tại sao lại mở như vậy vì luật hiện hành chỉ cho phép cấp đất tối đa 70 năm và chỉ Thủ tướng mới được quyết định"- ĐB Nghĩa đặt câu hỏi.
Theo ĐB, điểm chưa hợp lý là NĐT chiến lược đầu tư vào đặc khu được cấp đất tối đa 99 năm nhưng khái niệm NĐT chiến lược lại rất dễ dãi, ví dụ điều kiện là đầu tư casino 44.000 tỉ đồng. "Chưa biết 50 năm nữa người ta có xài tiền không, có đánh bạc theo kiểu casino nữa không mà lại cấp đất 99 năm. Nếu 30 năm nữa casino thất bại, chúng ta có thu hồi được không. Tôi đề nghị chỉ cấp đất tối đa 70 năm và phải xem lại khái niệm NĐT chiến lược"- ĐB Trương Trọng Nghĩa đề xuất và liên hệ với câu chuyện cấp đất cho ngành thép 70 năm nhưng không biết đến khi đó loài người có dùng thép thế này không hay là một loại vật liệu khác.
ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) tranh luận tại hội trường về dự thảo Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt - Ảnh: Đình Nam
Tranh luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) lại cho rằng: "Đầu tư mà cứ nghĩ mình được 2, người ta được 8 là tư duy không mang tính kinh tế. Nếu không làm thì đó chỉ là đất để không, không thu được gì chứ đừng nói được 2. Mình đã được 2 rồi nhưng đằng sau dự án đó còn khai thác được thu nhập từ nguồn khách quốc tế đến chơi casino nghỉ dưỡng ở khách sạn, ăn uống, giải quyết được bao nhiêu lao động". ĐB Thân nhấn mạnh đến thực trạng các nước Châu Á hiện nay rất khuyến khích đầu tư vào đặc khu. Nhiều quốc gia đã giao đất 90 năm, Việt Nam phải có cơ chế vượt trội mới khuyến khích, để lôi kéo được cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vào.
Đây là lần đầu tiên dự thảo Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt được xem xét tại phiên họp toàn thể tại QH, đã có 86 ĐB đăng ký phát biểu. Trước đó trong phiên thảo luận tại tổ ngày 10-11, đã có trên 100 ý kiến thảo luận về dự thảo Luật, trong đó tập trung vào nội dung phương án tổ chức chính quyền ở đặc khu và các ưu đãi để phát triển kinh tế.
Việt Nam mong muốn xây dựng các đặc khu để cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài, tạo động lực tăng trưởng mới. Tính đến năm 2016, thế giới đã có khoảng 4.500 đặc khu, khu kinh tế tại 140 quốc gia.