Báo cáo của IDC thực hiện dưới sự ủy quyền của Backbase cho thấy hai sự tăng trưởng rõ rệt trong ngành ngân hàng tại Việt Nam thời gian tới: giao dịch di động và hoạt động cho vay. Trong đó, các yếu tố công nghệ đóng vai trò nền tảng và thúc đẩy phát triển.
Công nghệ giúp hoạt động cho vay của ngân hàng thuận tiện hơn, góp phần làm giảm hình thức tín dụng đen. (Ảnh: Hải Đăng)
Theo báo cáo này, giao dịch di động tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 300% trong giai đoạn 2021-2025, thanh toán di động đóng vai trò dẫn dắt. Các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo, máy học sẽ được ứng dụng để nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Báo cáo nhấn mạnh rằng các ngân hàng số trên khắp châu Á Thái Bình Dương (APAC) đã đạt mức tăng trưởng khách hàng cao gấp ba lần so với ngân hàng truyền thống tính trong năm 2020/2019. Các ngân hàng khác trong ngành cũng phải nỗ lực chạm mốc tăng trưởng ít nhất 50% về số lượng giao dịch và tương tác của khách hàng trên nền tảng số. Tất cả ngân hàng đều đang tích cực chuyển đổi số.
Dự báo trong 4 năm tới, thị trường APAC sẽ đón khoảng 100 ngân hàng thế hệ mới, bao gồm các ngân hàng vận hành hoàn toàn trên nền tảng số. Do đó, tại mỗi thị trường trong khu vực APAC, các ngân hàng đương nhiệm phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ ít nhất hai ngân hàng số. Dự tính có đến 30% hoạt động kinh doanh của các ngân hàng Việt Nam bị đe dọa từ những thách thức kỹ thuật số mới.
Báo cáo mới nhận định 60% ngân hàng trong khu vực APAC sẽ tận dụng trí tuệ nhân tạo và máy học để giải quyết những vấn đề dựa trên cơ sở dữ liệu, trong khi con số này của năm trước chỉ dừng ở mốc 48%. Tại Việt Nam, ngân hàng lõi và hiện đại hóa hệ thống thanh toán sẽ là hai mối quan tâm chính của top 8 ngân hàng hàng đầu quốc gia nhằm đón đầu nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào năm 2025.
Dịch vụ cho vay được dự báo phát triển trở lại. Các ngân hàng trong APAC sẽ tập trung số hóa hoạt động cho vay. Xu hướng này rất rõ nét tại Việt Nam, khi có tới 80% ngân hàng tái đầu tư vào quản lý rủi ro tín dụng và tài sản nợ, song song việc củng cố năng lực cho vay. Dự tính hoạt động cho vay tại Việt Nam chạm mốc tăng trưởng hai con số mỗi năm kể từ 2021.
Những tiềm lực mới về mảng dịch vụ này sẽ có sự góp mặt của các đối tác fintech . Theo IDC dự đoán đến giữa năm 2021, 50% các quyết định cho vay trong ngân hàng bán lẻ sẽ được hỗ trợ bởi lợi ích từ fintech, nhấn mạnh sự tăng tốc hợp tác giữa các ngân hàng và lĩnh vực tiềm năng này.
Trước đây, các hoạt động cho vay phụ thuộc hoàn toàn vào nhân viên xét duyệt hồ sơ tại ngân hàng. Hiện nay, sự bùng nổ của các công ty fintech giúp tận dụng công nghệ để xét duyệt điểm tín dụng cá nhân, tạo cơ sở cho hoạt động cho vay. Các ngân hàng hiện nay cũng tận dụng nền tảng của công ty fintech nhằm rút ngắn quy trình cho vay tín dụng.