Bản báo cáo chỉ ra rằng các đơn hàng quốc tế bị huỷ chủ yếu vào tháng 5 và tháng 6. Nhiều doanh nghiệp đã phải xoay sở để chuyển hướng sang sản xuất cho thị trường nội địa hoặc trang phục y tế như khẩu trang và đồ bảo hộ để xuất khẩu. Xuất khẩu giày dép đã giảm 6,7% trong sáu tháng đầu năm.
Báo cáo cho biết thêm, trong thời gian tới xuất khẩu ở Việt Nam sẽ giảm nhanh, mặc dù trong một số lĩnh vực, số lượng đơn đặt hàng đã có dấu hiệu gia tăng. Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, khoảng gần 50.000 công nhân có thể sẽ bị cắt giảm do hậu quả của đại dịch. Vinatex là doanh nghiệp dẫn dắt toàn ngành dệt may Việt Nam, sở hữu khoảng 200 nhà máy và hơn 100.000 công nhân, là chuỗi cung ứng của các hãng thời trang lớn bao gồm Zara và H&M.
Nhu cầu của người tiêu dùng trên toàn cầu đối với hàng may mặc và các sản phẩm thời trang giảm đi đáng kể, đặc biệt ở các quốc gia như Hoa Kỳ và châu Âu. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ thời trang đã phải huỷ những đơn hàng hiện tại hoặc hoãn những đơn mới để đối phó với tình hình này.
Mặc dù các doanh nghiệp ở Việt Nam, cụ thể là các nhà máy ở Hà Nội đã được phép mở cửa hoạt động, tuy nhiên số lượng các đơn đặt hàng vẫn không có dấu hiệu tăng lên. Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, các đơn hàng ngành dệt may đã giảm 70% giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may đã xoay chuyển tình thế bằng cách sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, theo Vinatex, cách này sẽ không đủ để bù đắp lại các đơn hàng đã bị huỷ. Ngay cả trong trường hợp không xuất hiện thêm ca lây nhiễm mới, thì vào cuối tháng 6, công ty ước chừng sẽ mất khoảng 42,4 triệu USD, gấp đôi số tiền lãi mà công ty kiếm được trong năm ngoái.
Đại dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, các chuyên gia và các nhà khoa học ước tính để tìm ra vắc-xin sẽ mất ít nhất 12 đến 18 tháng – điều này lại một lần nữa đe doạ tương lai của Vinatex, khi mà nhiều nhà máy vừa và nhỏ đã phải đóng cửa, kèm theo hàng ngàn công nhân mất việc làm.
Cũng như công nhân ngành may trên khắp Đông Nam Á và trên thế giới, phần lớn công nhân ngành may ở Việt Nam đều có mức lương cơ bản trung bình thấp. Điều này có nghĩa là họ nằm trong nhóm người dễ bị tổn thương nhất bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Nhiều công nhân đang phải đối mặt với nghèo đói khi mà điều kiện sống thấp, khả năng tiếp cận với vệ sinh cơ bản còn chưa cao. Trong nỗ lực đấu tranh với dịch bệnh, các đại diện ngành dệt may từ 6 quốc gia châu Á, bao gồm cả Việt Nam, đã đưa ra tuyên bố chung để yêu cầu các thương hiệu thời trang bồi thường thiệt hại cho các nhà cung cấp vì các đơn đặt hàng bị huỷ.
Trong khi H&M đã hứa sẽ giữ các hợp đồng cho doanh nghiệp đến giai đoạn sản xuất, nhiều doanh nghiệp dệt may lớn khác đã yêu cầu các thương hiệu thời trang phải thanh toán những đơn hàng đã hoàn thành khâu sản xuất.
Nhiều nơi trên thế giới, điển hình như Bangladesh, nơi mà ngành dệt may đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc thúc đẩy nền kinh tế, công nhân cũng đang trong tình trạng mất việc do các đơn hàng liên tục bị thất lạc hay bị huỷ. Một vài thương hiệu thậm chí còn sa thải hàng ngàn công nhân khiến họ mất đi thu nhập hay thậm chí còn không có trợ cấp thôi việc, bao gồm Primark, Bestseller, Marks & Spencer, Walmart và JCPenney.
Ngành thời trang vốn đã phải đối mặt với nhiều tranh cãi về phát triển bền vững cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường. Việc các thương hiệu thời trang lớn không trả lương cho công nhân trong chuỗi cung ứng của họ sẽ càng gây ra áp lực nặng nề đối với ngành công nghiệp này.