Theo báo cáo, trong năm 2019, có 12.455 doanh nghiệp FDI báo lỗ 131.445 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp báo lỗ chiếm 55% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư vào Việt Nam và có tổng tài sản hơn 2 triệu tỷ đồng.
Hơn nửa doanh nghiệp FDI thua lỗ
Trong năm 2019, doanh thu của 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ được ghi nhận khoảng 846.800 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu của các doanh nghiệp FDI báo lỗ đang tiếp tục tăng lên.Đồng thời, các nhóm ngành hai năm liền có số doanh nghiệp FDI lỗ trước và sau thuế tăng bao gồm: sản xuất sắt, thép và kim loại khác; dầu khí, xăng dầu, nhiên liệu khí và sản phẩm hóa dầu; viễn thông, phần mềm.
Đối với các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế nhiều năm trên báo cáo tài chính, Bộ Tài chính nhấn mạnh đến hết năm 2019 có 14.822 doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế, chiếm 66% doanh nghiệp báo cáo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI trên báo cáo tài chính khoảng 520.700 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 3.545 doanh nghiệp FDI lỗ mất vốn trong năm 2019, tăng 24,2% cùng kỳ năm trước.
Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2019 có 25.054 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam, trong đó có 22.603 doanh nghiệp có dữ liệu báo cáo tài chính đầy đủ để phân tích. Doanh thu năm 2019 của các doanh nghiệp FDI theo báo cáo đạt hơn 7,1 triệu tỷ đồng, tăng hơn 720 nghìn tỷ so với năm trước đó.
Lợi nhuận trước thuế năm 2019 của doanh nghiệp FDI đạt khoảng 387.000 tỷ đồng, tăng hơn 29.400 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp FDI trong năm 2019 khoảng 324.400 tỷ đồng, tăng 19.500 tỷ đồng so với năm trước đó.
Doanh nghiệp FDI ghi nhận khoản lỗ hàng chục nghìn tỷ năm 2019
Báo cáo cũng đưa ra kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp FDI lớn trong các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.
Cụ thể, trong nhóm ngành linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị, công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam (SEV Bắc Ninh) và công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên (SEV Thái Nguyên) ghi nhận tổng cộng hơn 1,104 triệu tỷ đồng doanh thu năm 2019. Số doanh thu này đã tăng hơn 5% so với năm trước đó, khiến doanh nghiệp thu về 81.112 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong nhóm ngành này, lợi nhuận của 2 nhà máy Samsung tại Việt Nam chiếm tới 65% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Đối với nhóm ngành luyện thép và kim loại, các doanh nghiệp FDI trong nhóm ngành này lại có số báo lỗ năm sau cao hơn năm trước nhiều nhất, hoạt động kém hiệu quả và đóng góp vào ngân sách rất hạn chế trong năm 2019.
Cụ thể, cả hai doanh nghiệp FDI lớn trong ngành thép là Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) của Đài Loan và Công ty CP thép Posco Yamoto Vina (Nhật Bản) đều có tình hình tài chính không lành mạnh trong 2 năm 2018 và 2019.
Trong đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của Formosa Hà Tĩnh đạt khoảng 72.000 tỷ đồng trong năm 2019, nhưng số lỗ trong năm hơn 11.500 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần so với năm 2018. Lỗ lũy kế đến hết năm 2019 của Formosa Hà Tĩnh gần 25.400 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu khoảng hơn 100.800 tỷ đồng.
Đồng thời, trong năm 2019, Posco Yamoto Vina cũng báo lỗ gần 2.800 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần so với năm 2018 lỗ 1.000 tỷ đồng. Đặc biệt, cả hai doanh nghiệp này đều có báo cáo doanh thu tăng nhưng nộp ngân sách nhà nước năm 2019 giảm từ 101 tỷ đồng xuống 92,6 tỷ đồng.